Ngành xây dựng Quảng Ngãi: Làm tốt công tác quản lý nhà nước, hướng đến phát triển bền vững

10:04, 19/04/2018
.

* NGUYỄN PHONG - Giám đốc Sở Xây dựng


(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng là một ngành kinh tế quan trọng, là lực lượng chủ yếu trong xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhìn lại chặng đường 60 năm hình thành và phát triển của ngành xây dựng (29.4.1958 - 29.4.2018), chúng ta rất đỗi tự hào về những đóng góp của ngành kinh tế quan trọng này đối với sự phát triển của đất nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Ngày 29.4.1958, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa I, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa, đã quyết định thành lập Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng). Từ đó, ngày 29.4 hằng năm được lấy làm ngày truyền thống của ngành xây dựng Việt Nam. Suốt 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành xây dựng đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự phát triển của đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ (đầu tiên bên phải) kiểm tra công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh. ẢNH: PV
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ (đầu tiên bên phải) kiểm tra công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh. ẢNH: PV


Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Ty Xây dựng Quảng Ngãi được thành lập. Năm 1976, theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi sáp nhập vào tỉnh Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. Từ đó, Ty Xây dựng Nghĩa Bình được thành lập, thực hiện nhiệm vụ của ngành trong thời kỳ xây dựng lại sau chiến tranh. Ngành đã không ngừng phát triển, đổi mới và lớn mạnh toàn diện, làm tốt vai trò tham mưu chủ lực trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quy hoạch vùng, phát triển hạ tầng đô thị, khu dân cư nông thôn, quy hoạch vật liệu xây dựng, quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý môi trường đô thị, công viên và cây xanh...
 

Từ năm 2010 đến nay, tập thể Sở Xây dựng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng Cờ và nhiều Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thi đua yêu nước; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng NMLD Dung Quất. Năm 2017, Sở Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác...

Sau ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi (tháng 8.1989), UBND tỉnh thành lập Sở Xây dựng. Kể từ đây, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Lúc bấy giờ, Quảng Ngãi còn muôn vàn khó khăn, điểm xuất phát thấp, chủ yếu sản xuất nông nghiệp; công nghiệp – xây dựng rất đơn sơ, hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội chưa được đầu tư, đô thị chưa phát triển.

Toàn tỉnh chỉ có thị xã Quảng Ngãi được quy hoạch theo đô thị loại IV, nhưng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn nhiều hạn chế. Các trung tâm huyện lỵ trong tỉnh, hạ tầng kỹ thuật chỉ có tuyến đường quốc lộ hoặc đường tỉnh đi qua, chưa hình thành thị trấn, cũng như đô thị; chưa có quy hoạch các khu đô thị, KCN. Thực tiễn đó buộc ngành xây dựng Quảng Ngãi phải hiến kế, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, đề án theo chức năng nhiệm vụ của ngành, nhằm xây dựng và phát triển tỉnh nhà trong giai đoạn mới.

Không ngừng phát triển

Nhìn lại chặng đường 60 năm qua của ngành, nhất là sau ngày tách tỉnh, cùng với sự phát triển nhanh chóng của tỉnh về mọi mặt, ngành xây dựng Quảng Ngãi cũng đã không ngừng đổi mới để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, ngành xây dựng đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng tỉnh, vùng huyện, các quy hoạch chung của TP.Quảng Ngãi và các huyện; quy hoạch khu đô thị (KĐT), KCN và các cụm công nghiệp (CCN); quy hoạch phân khu khoáng sản, vật liệu xây dựng, du lịch; quy hoạch thoát nước, cấp nước, xử lý chất thải rắn, phát triển nhà ở...

Trường Đại học Phạm Văn Đồng là một trong những công trình được Sở Xây dựng tham mưu lập quy hoạch xây dựng.
Trường Đại học Phạm Văn Đồng là một trong những công trình được Sở Xây dựng tham mưu lập quy hoạch xây dựng.


Đến nay, toàn tỉnh có 13 đô thị; trong đó, TP.Quảng Ngãi là đô thị loại II, 1 đô thị loại IV là thị trấn Đức Phổ mở rộng và đang hướng đến thành lập thị xã trong năm 2018; 11 đô thị loại V là các thị trấn trung tâm huyện lỵ và các khu đô thị mới, 3 KCN, 8 CCN, nhiều KDC nông thôn thực hiện theo chương trình xây dựng nông thôn mới...

Đặc biệt là, sau năm 1994, khi có chủ trương của Chính phủ về xây dựng cảng Dung Quất và NMLD Dung Quất, ngành đã chủ trì phối hợp cùng các ngành chuyên môn khác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh quy hoạch chung KCN Dung Quất (nay là KKT Dung Quất) để xây dựng và phát triển; các công trình đô thị trọng điểm của tỉnh... Về quy mô công trình xây dựng cũng phát triển vượt bậc, nhiều công trình lớn, cao tầng được hình thành, như tòa nhà Petroseco 12 tầng, khách sạn Mường Thanh-Lý Sơn 10 tầng, Trường ĐH Phạm Văn Đồng, Phân hiệu Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tại Quảng Ngãi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi... tạo nên diện mạo đô thị mới cho Quảng Ngãi.

Tính đến cuối năm 2017, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của ngành là rất lớn so với ngày tái lập lập tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến nay là 19,37% và phấn đấu thực hiện đến năm 2020 là 23% như Nghị quyết Tỉnh ủy khóa XIX đề ra. Ngành đã tham mưu cho tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển các KĐT, KDC. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 46 KĐT mới và KDC được cấp phép đầu tư, tổng diện tích quy hoạch là 952ha, tổng vốn đầu tư 13.959 tỷ đồng. Hiện nay, nhiều KĐT, KDC đã hoàn thiện đưa vào khai thác, tạo nên những đô thị phát triển và năng động.  

 Những năm gần đây, ngành đã phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng để phát huy có hiệu quả các lợi thế so sánh, huy động tốt các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư vào đô thị và hạ tầng kỹ thuật. Nhờ đó, nguồn đầu tư vào tỉnh không chỉ tăng về lượng mà còn vượt về chất, với các dự án lớn của nhiều tập đoàn lớn đang tập trung đầu tư. Hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện, nước; hạ tầng xã hội giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch... được đầu tư đồng bộ. Đây là tiền đề quan trọng, để trong thời gian tới, ngành xây dựng Quảng Ngãi tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh của ngành, tham mưu xây dựng TP.Quảng Ngãi và các đô thị khác trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, thân thiện, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Thời gian tới, ngành xây dựng Quảng Ngãi sẽ tăng cường chất lượng công tác quản lý nhà nước về xây dựng; thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp đề ra trong công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và của tỉnh. Tiếp tục thi đua, quyết tâm thực hiện mục tiêu “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, kỷ cương và phát triển bền vững”, gắn với thi đua thực hiện thành công các Nghị quyết của tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016-2020.
                         

N.P



 


.