(Báo Quảng Ngãi)- Từ tháng 1.2017, Nghị định 158/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản có hiệu lực, đã tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn trong việc quản lý nguồn tài nguyên này. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định về cấp phép khai thác khoảng sản tại Quảng Ngãi vẫn còn nhiều bất cập, cần phải chấn chỉnh.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm mỏ khoáng sản, chủ yếu là cát, đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường còn thời gian khai thác, do UBND tỉnh và huyện cấp phép. Trong đó chủ yếu là cấp phép khai thác trực tiếp, không thông qua đấu giá. Hình thức đấu giá khai thác mới áp dụng từ năm 2017.
Khai thác cát trên sông Trà Khúc. |
Ngoài ra, tỉnh còn cho phép nhiều DN tận thu lượng cát, đất, đá khi cấp thi công các công trình còn dư thừa để làm vật liệu xây dựng. Việc cấp phép các mỏ khoáng sản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thi công các công trình, dự án lớn ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác đã phát sinh không ít phức tạp, tạo dư luận không tốt trong nhân dân, đặc biệt là hoạt động cấp phép và quản lý sau cấp phép.
Còn buông lỏng quản lý Theo quy định, sau khi được cấp phép, các DN khai thác khoáng sản phải lập thủ tục chuyển đổi mục đích đất khu vực khai thác, đóng tiền cấp quyền khai thác, tiền ký quỹ phục hồi môi trường… nhưng một số DN không chấp hành. Tại hội nghị đánh giá tình hình thu ngân sách quý I/2018, Cục Thuế tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản đối với các DN không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, gồm: Công ty LICOGI nợ 1,17 tỷ đồng; Công ty TNHH Thành Long 700 triệu đồng; Công ty TNHH Lý Tuấn 360 triệu đồng; Công ty TNHH Thạnh Phát 153 triệu đồng... |
Theo quy định, từ năm 2017, các mỏ cát cấp phép trực tiếp chỉ được áp dụng đối với các công trình có vốn ngân sách. Tuy nhiên, 4 mỏ cát còn lại mặc dù cấp trong năm 2017, không phục vụ thi công công trình vốn ngân sách, nhưng không thông qua đấu giá. Trong đó, tại địa bàn xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) có 2 mỏ là mỏ cát của Công ty CP Đầu tư Hà Mỹ Á và mỏ cát thôn Nam Phước.
Đối với các mỏ đá, theo quy định, UBND tỉnh chỉ được cấp phép đối với các mỏ đá khai thác làm vật liệu thông thường. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đánh giá tính chất các loại đá chưa chặt chẽ, dẫn đến “xin cấp phép một đằng, khai thác một nẻo”. Cụ thể xin cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, nhưng sau đó lại khai thác đá granit để xuất khẩu.
Bài, ảnh: THANH NHỊ