(Báo Quảng Ngãi)- Giảm nghèo bền vững cho các huyện miền núi trong tỉnh là một trong những mục tiêu hàng đầu được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, thể hiện qua các chính sách, chương trình đã và đang được triển khai. Trong đó, việc đa dạng hóa các mô hình phát triển kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng để người dân có điều kiện xóa đói giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 2009, ông Đỗ Phận, ở thôn Bắc 2, xã Trà Sơn (Trà Bồng) thử nghiệm nuôi 2.000 con cá trê lai trong diện tích hơn 700m2. Sau vài năm thực hiện, thấy mô hình nuôi cá trê lai hiệu quả, ông Phận mở rộng diện tích nuôi. Cùng với đó, ông còn thực hiện đa dạng các loại vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình, như nuôi cá lóc, cá chình, vịt xiêm... với số lượng lớn.
Phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình
Ông Đỗ Phận cho biết, chi phí đầu tư xây dựng trang trại của gia đình ông khoảng 500 triệu đồng. "Ở đây, do có nhiều đất nên phần lớn người dân đều trồng cây keo, quế. Nhưng với gia đình tôi thì mở trang trại nuôi các loại vật nuôi mà đồng bào nơi đây ít làm để sản phẩm thu được có đầu ra ổn định và phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày cho gia đình”, ông Phận bày tỏ. Với hướng đi đó, ông Phận thu về từ 40 – 50 triệu đồng/năm, nên kinh tế gia đình khấm khá hơn trước rất nhiều.
Nhiều nông dân ở huyện Trà Bồng đã biết trồng rau, hoa màu để tăng thu nhập cho gia đình. |
Còn lão nông Đinh Văn Chanh, ở thôn Ngã Lăng, xã Long Mai (Minh Long) được nhà nước cấp hơn 200 cây chuối mốc giống, sau khi cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng, ông Chanh đã phát triển thành mô hình trồng chuối chuyên canh. Đến nay, vườn chuối mốc của ông Chanh đã sinh trưởng tốt. Tuy mô hình này chưa cho thu hoạch, nhưng ông Chanh và người trồng chuối ở xã Long Mai rất phấn khởi, vì tin rằng cây chuối sẽ phát triển tốt trên vùng đất này.
Ông Chanh chia sẻ: “Mấy năm trước, người dân trồng giống chuối địa phương nhưng cũng được nhiều thương lái đến đặt thu mua. Nay trồng thêm giống chuối mốc này cũng được nhiều người đến đặt mua. Trồng chuối ít tốn vốn đầu tư, công chăm sóc, lại dễ sống nên ai cũng phấn khởi. Nếu mô hình này hiệu quả, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng”.
“Hiện nay, trên địa bàn huyện Trà Bồng có nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình phát huy hiệu quả, như mô hình trồng rau sạch ở Trà Tân; nuôi heo bản địa, nuôi dê ở Trà Lâm và xã Trà Bình chuẩn bị triển khai mô hình trồng cây sầu riêng… Các mô hình này lúc đầu mang tính tự phát, nhưng hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ có định hướng cụ thể để người dân tiếp tục đầu tư mở rộng, phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững ”. Trưởng Phòng NN&PTNN huyện Trà Bồng VÕ SỸ PHI |
Trên địa bàn huyện Minh Long, xã Thanh An là địa phương đi đầu trong việc phát triển các mô hình kinh tế gia đình. Người dân trong xã tận dụng địa thế có sẵn để xây dựng các mô hình vườn – ao – chuồng, phát triển kinh tế gia đình. Chủ tịch UBND xã Thanh An Đinh Ê Hoàng cho biết: “Ngoài các loại cây trồng bản địa, người dân còn chịu khó tìm hiểu và đưa vào trồng trọt, chăn nuôi một số cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với đất đai, khí hậu ở miền núi, từng bước hình thành các mô hình gia trại. Nhờ đó, nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương”.
Thay đổi ý thức của người dân
Tại huyện Minh Long, để khắc phục tình trạng một bộ phận người dân ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức, phát huy nội lực để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2017, từ nguồn kinh phí hơn 1 tỷ đồng, huyện đã xây dựng mô hình trồng cây đậu phụng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả; trồng chuối mốc; nuôi cá diêu hồng thương phẩm; cải tạo và phát triển đàn trâu, bò…
Từ sự thành công của các mô hình này, các hội, đoàn thể của huyện đã tuyên truyền để người dân nhân rộng. Nhờ đó, đến nay các tập tục lạc hậu trong chăn nuôi, trồng trọt... đã được người dân loại bỏ, góp phần phát triển kinh tế có hiệu quả. Trưởng trạm Khuyến nông huyện Minh Long Phạm Đăng Đàm cho hay: Với đồng bào các dân tộc thiểu số, nếu chỉ tuyên truyền là chưa đủ, mà "phải cầm tay chỉ việc” thông qua các môhình kinh tế cụ thể thì người dân mới học hỏi để làm theo.
Với Trà Bồng, ngành nông nghiệp của huyện cũng đang triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi để người dân học hỏi, qua đó tự tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Đây cũng là cách làm của các huyện miền núi trong tỉnh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững cho người dân.
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU