Khuyến nông miền núi, hiệu quả mang lại

08:10, 31/10/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước đối với chương trình khuyến nông miền núi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện địa hình miền núi, trong đó có nhiều mô hình đem lại kết quả rất khả quan.

TIN LIÊN QUAN

Những mô hình thành công

Từ năm 2011 – 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện 14 mô hình khuyến nông tại các huyện miền núi, với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng.

Cán bộ khuyến nông huyện Minh Long hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số trồng chè đúng kỹ thuật
Cán bộ khuyến nông huyện Minh Long hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số trồng chè đúng kỹ thuật


Kết quả cho thấy, một số mô hình đã đem lai hiệu quả cao, như: Mô hình cải tiến kỹ thuật sản xuất lúa ở miền núi đạt năng suất từ 55 – 60 tạ/ha, tăng so với sản xuất đại trà cùng điều kiện từ 10 – 20 tạ/ha. Mô hình chuyển đổi cây trồng vụ hè thu trên chân đất không chủ động nước tưới bằng các loại cây trồng cạn như lạc, ngô, hiệu quả kinh tế tăng lên so với sản xuất lúa từ 5 triệu đồng/ha trở lên.

Mô hình chuyển đổi sản xuất các cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi bò cái lai Zebu sinh sản hạn chế bò chết ở mùa mưa rét, thu nhập từ 16 – 18 triệu đồng/ha. Mô hình cải tạo đàn trâu tại 3 huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long giảm được tình trạng trâu giao phối cận huyết, nâng cao sức sống và tầm vóc, khối lượng trâu sơ sinh đạt 28 – 30kg/con (lớn hơn trâu địa phương 10 kg/con); trâu trưởng thành con cái đạt trọng lượng từ 400 – 450 kg, con đực từ 450 – 500 kg (tăng 100 – 150 kg/con so với trâu địa phương), khả năng chống bệnh tật cao, thích nghi với khí hậu miền núi.

Mô hình trồng rừng hỗn giao (lim xanh với cây keo) và mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng, bước đầu nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị của cây gỗ lớn và cây dược liệu quý, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển rừng, nâng cao thu nhập từ nghề rừng lên tới hàng trăm triệu đồng/ha so với trồng rừng sản xuất đơn thuần bằng cây keo lai.

Bên cạnh đó, mô hình nuôi cá nước ngọt cũng đem lại hiệu quả khả quan. Chỉ tính riêng năm 2015, ở 5 huyện miền núi đã thả nuôi 25.000 con cá giống (bình quân 5.000 con/huyện), sau 4 tháng nuôi thu được 10.368kg cá thương phẩm, lợi nhuận đạt trên 240 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đáng kể dinh dưỡng bữa ăn cho đồng bào miền núi.

Đặc biệt, mô hình nuôi cá rô phi Novit4 tại huyện Trà Bồng và cá lăng nha tại huyện Sơn Hà  đã đem lại hiệu quả khá cao. Ngoài ra, xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bioga cũng là mô hình đang phát huy hiệu quả tốt, cung cấp được khí đốt cho hộ gia đình và góp phần giảm ô nhiễm môi trường, được người dân miền núi nhiệt tình hưởng ứng.

Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi

Rút kinh nghiệm từ những mô hình thành công trên địa bàn miền núi, thời gian tới các huyện miền núi của tỉnh nên triển khai chương trình khuyến nông theo hướng: Tập trung xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, với các mô hình cụ thể như: Chuyển hóa một phần diện tích rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn nhằm nâng cao sản lượng và giá trị rừng trên một đơn vị diện tích, tạo sinh kế bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Trồng thâm canh rừng nguyên liệu bằng các giống keo lai giâm hom và keo lai nuôi cấy mô để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Phát triển chăn nuôi trâu bò thịt tập trung hàng hóa; trong đó các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà nên ưu tiên phát triển nuôi trâu thịt, các huyện còn lại phát triển bò thịt. Chăn nuôi các loại heo bản địa như heo ky, heo kiềng sắt, heo địa phương (heo cỏ) theo hình thức nhóm hộ/tổ hợp tác để tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thành lập các tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa như mía, mỳ, quế, đót nhằm hạn chế tư thương ép giá để nâng cao hiệu quả kinh tế cho đồng bào.

Đối với các mô hình trình diễn kỹ thuật, nên tập trung vào các lĩnh vực như: Chăn nuôi trâu cái sinh sản kết hợp đầu tư trâu đực giống để phối giống, hạn chế đồng huyết, nâng cao tầm vóc trọng lượng đàn trâu. Chăn nuôi gà ta (gà địa phương) tập trung với quy mô gia trại, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt theo hình thức nhóm hộ/tổ hợp tác. Trồng mít Thái Lan xen ổi tập trung (trong đó mít là cây chính, ổi là cây phụ) ở vùng đất gò đồi với quy mô diện tích lớn, có hướng dẫn chăm sóc đúng kỹ thuật.

Ngoài ra, có thể phát triển các mô hình vườn -   rừng - ao - chuồng (VRAC)  và các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp như: Nuôi ong lấy mật dưới tán rừng keo lai, rừng quế; trồng rừng kết hợp với chăn nuôi đại gia súc; trồng xen cây nông nghiệp dưới tán rừng như: Tỉa lúa nương kết hợp với trồng sắn, đậu các loại khi rừng chưa khép tán, hoặc trồng sa nhân, ba kích khi rừng trồng đã khép tán… Đối với các mô hình khuyến nông đã thực hiện thành công trên địa bàn miền núi thì tùy tình hình thực tế của từng địa phương mà lựa chọn mô hình phát triển, nhân rộng cho phù hợp nhằm đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất cho đồng bào.

                                                               

NGUYỄN KHÂM
 


.