Trà Bồng: Nguồn vốn Chương trình 33 giúp hàng trăm hộ dân có nhà ở ổn định

10:03, 25/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Trà Bồng Võ Duy Hưng cho biết, trong 2 năm 2016-2017, ngân hàng đã giải ngân trên 5 tỷ đồng cho 202 hộ vay vốn làm nhà theo Chương trình 33 của Chính phủ.

TIN LIÊN QUAN

Theo chương trình này, mỗi hộ trong diện chính sách sẽ được vay vốn với số tiền 25 triệu đồng, thời hạn vay là 15 năm, lãi suất 0,3%/năm. Đây là nguồn ưu đãi lớn của Nhà nước giúp các hộ nghèo, đặc biệt khó khăn về nhà ở có điều kiện để xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống.

Cán bộ ngân hàng CSXH  giao dịch với người dân vay vốn chương trình 33.
Cán bộ ngân hàng CSXH giao dịch với người dân vay vốn chương trình 33.


Chương trình 33 được thực hiện dựa trên Quyết định 33/2015-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo chuẩn nghèo, giai đoạn 2011-2015, là chương trình Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008-QĐ/TTg giai đoạn 2. Theo Đề án 07, trừ thị trấn Trà Xuân, toàn huyện Trà Bồng có 896 hộ có nhu cầu vay vốn làm nhà. Huyện triển khai thực hiện trong vòng 5 năm và phân chỉ tiêu cho từng năm. Theo đó, năm 2016, kế hoạch thực hiện 10%, tương đương 89 hộ; năm 2017, thực hiện 20% (179 hộ); năm 2018, 2019 mỗi năm thực hiện 25% (224 hộ) và 20% còn lại thực hiện trong năm 2020. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong 2 năm 2016, 2017, chương trình cho vay tín dụng này không đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Cũng theo ông Võ Duy Hưng, việc không đạt được chỉ tiêu kế hoạch giải ngân vốn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, phải kể đến các nguyên nhân như công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, đôn đốc thực hiện các phần việc của chính quyền, hội đoàn thể địa phương còn hạn chế, nên người dân không nắm bắt kịp chủ trương chính sách.

Việc phối hợp giữa UBND xã với thôn trong công tác lập danh sách hộ được vay vốn còn chậm, có nhiều sai sót, dẫn đến việc giải ngân bị chậm trễ, mất thời gian. Tiến độ thực hiện khu tái định cư chậm tại xã Trà Lâm cũng làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chương trình cho vay. Cùng với đó, việc nhiều hộ dân trong diện thụ hưởng chưa mặn mà với việc vay vốn do nguồn vốn cho vay theo chương trình so với nhu cầu còn thấp. Mỗi hộ chỉ được vay 25 triệu đồng, ngoài ra không còn khoản hỗ trợ nào khác. Trong khi chi phí làm nhà ở hiện nay ở các xã miền núi rất cao, với số tiền như vậy, nếu không được viện trợ hoặc vay mượn thêm thì không thể xây dựng được một ngôi nhà.

Có thể nói, Chương trình 33 là một chương trình lớn, giúp tạo điều kiện cho người nghèo có vốn làm nhà ở ổn định, an cư lạc nghiệp, nên UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn làm nhà ở của người dân. Đồng thời, việc tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vướng mắc trong thực hiện chương trình là việc làm quan trọng của chính quyền địa phương, các cấp lãnh đạo. Về phía Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thời gian qua đã tạo mọi điều kiện, bố trí nguồn vốn, thực hiện giải ngân nhanh nhất có thể để giúp bà con có vốn làm nhà, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Phan Đinh


 


.