Nợ thuế đang gia tăng

11:03, 22/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đã có nhiều giải pháp trong thu hồi nợ đọng thuế, nhưng tỷ lệ nợ thuế trên địa bàn không giảm, mà đang có chiều hướng gia tăng trong những tháng đầu năm 2018.

TIN LIÊN QUAN

Nợ sinh ra nợ

Theo số liệu thống kê của ngành thuế, đến 31.3.2018, tổng số nợ thuế của các tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh ước tính trên 589 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2017. Trong đó, ở khối các chi cục thuế tăng 17%, nhất là các huyện Nghĩa Hành, Sơn Hà, Tây Trà và TP.Quảng Ngãi; các doanh nghiệp (DN) do Cục Thuế tỉnh quản lý cũng tăng nợ khoảng 9% so với cuối năm 2017.

Cán bộ Chi cục Thuế Tư Nghĩa kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng hóa đơn của hộ kinh doanh tại thị trấn La Hà (Tư Nghĩa).
Cán bộ Chi cục Thuế Tư Nghĩa kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng hóa đơn của hộ kinh doanh tại thị trấn La Hà (Tư Nghĩa).


Nếu tính theo loại hình DN, số nợ thuế của DN nhà nước địa phương giảm hơn 13%, DN đầu tư nước ngoài giảm 0,3% so với cuối năm 2017; trong khi đó DN nhà nước Trung ương tăng hơn 11% và DN ngoài quốc doanh tăng trên 21% so với cuối năm 2017.
 

Trước tình hình nợ khó thu đang ngày càng lớn, vừa qua Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho một số trường hợp cụ thể để phù hợp với thực tế và quy định mới của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc xóa nợ phải xem xét hợp lý, công khai, minh bạch, không thể xóa một cách ồ ạt, mà cần phân loại rõ ràng; tránh tình trạng trục lợi, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Tiếp, có rất nhiều nguyên nhân làm cho nợ thuế gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản là do tình hình kinh doanh của DN trên địa bàn gặp khó. Đáng chú ý nhất là, do DN kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán, nhưng không làm thủ tục giải thể, phá sản theo pháp luật mà tự động bỏ địa chỉ kinh doanh. Do đó, số nợ này mỗi ngày một tăng cao (chiếm khoảng 24% trên tổng nợ).

Đặc biệt, khoản nợ thuế của Tổ hợp nhà thầu Technip đã tồn tại trong thời gian dài, nhưng vẫn đang chờ ý kiến của cơ quan cấp trên, trong khi hằng tháng phát sinh tăng hơn 500 triệu đồng tiền chậm nộp.

Số nợ thuế vốn có đã cao, cộng với số tiền phạt nộp chậm cứ “đội” lên mỗi ngày, làm số nợ khó thu tăng theo. Ngoài ra, đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhưng chưa được thanh toán, theo quy định, số nợ này không tính tiền chậm nộp, nên DN để nợ kéo dài.

Cần giải pháp căn cơ

Thời gian qua, ngành thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp thu nợ thuế, nhưng về cơ chế, chính sách, việc cưỡng chế nợ thuế phải thực hiện bắt buộc theo trình tự 7 bước đúng với Luật Quản lý thuế, khiến quá trình thu hồi nợ thuế gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ Đội kiểm tra thuế của Cục Thuế tỉnh kiểm tra công tác thuế tại một doanh nghiệp.
Cán bộ Đội kiểm tra thuế của Cục Thuế tỉnh kiểm tra công tác thuế tại một doanh nghiệp.


Hầu hết DN nợ thuế trên 90 ngày đều thật sự khó khăn về tài chính, không có khả năng thanh toán, trong khi tài sản đều đã thế chấp vào ngân hàng để vay vốn kinh doanh. Còn đối với cơ quan thuế, quá trình thu thập, xác minh tài khoản ngân hàng của DN cũng mất rất nhiều thời gian, vì có những đơn vị mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Một số trường hợp, DN cố tình chây ỳ, không chấp hành việc cung cấp các tài khoản có dòng tiền, mà chỉ đưa các tài khoản “rỗng”, nên cơ quan chức năng cũng không thể thực hiện cưỡng chế.  

Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Tiếp cho rằng: Áp dụng các biện pháp thu nợ thuế cũng phải thấu tình đạt lý. Bởi cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Một khi uy tín, thương hiệu của DN bị tác động thì các đơn vị đó rất khó tìm được đối tác, từ đó, khó tiêu thụ hàng hóa, khả năng trả nợ thuế càng khó hơn.

Thực tế cũng cho thấy, không chỉ khó khăn trong khi thực hiện giải pháp trên, mà cả việc cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên cũng có nhiều “rào cản”. Bởi hầu hết tài sản của DN đã thế chấp ngân hàng, nên không thể cưỡng chế... Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao những năm qua, mặc dù ngành thuế đã triển khai hàng loạt giải pháp, nhưng nợ thuế vẫn tăng theo từng năm.


Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.