(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư nhiều thiết bị nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt, làm việc trên tàu. Dù giá của các loại máy móc này khá cao, nhưng hầu hết ngư dân chỉ mua theo kiểu “truyền miệng”, “rỉ tai nhau”, chứ chưa thật sự am hiểu về nguồn gốc, xuất xứ của các thiết bị.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thời gian qua, các tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh khi vươn khơi đều gặp khó khăn về vấn đề nước ngọt sinh hoạt. Vì diện tích các khoang chứa trên tàu có hạn, nên mỗi tàu chỉ chở theo một lượng nước ngọt nhất định và phải sử dụng dè sẻn. Có những tàu, khi phiên biển kéo dài hơn dự kiến phải gián đoạn hoạt động đánh bắt để vào các đảo tiếp nước. Vậy nên, khi nghe mọi người “rỉ tai” về loại máy có thể lọc nước biển thành nước ngọt, ngư dân Nguyễn Nam, ở Bình Chánh (Bình Sơn) liền đặt mua.
Bỏ tiền ra mua thiết bị đồng hồ góc lái với giá hơn 40 triệu đồng, nhưng ngư dân Bùi Thanh Nghĩa, ở Bình Chánh (Bình Sơn) lại không rõ đơn vị cung ứng, nguồn gốc thiết bị. Ảnh: T.L |
Bỏ ra 125 triệu đồng để mua và lắp đặt máy, nhưng khi hỏi nguồn gốc xuất xứ, cũng như đơn vị phân phối sản phẩm, ngư dân Nam lắc đầu. “Tàu câu mực đi biển tới 3 tháng, anh em trên tàu lên tới 40 – 50 người, nên nước sinh hoạt là vấn đề khó khăn nhất với chúng tôi. Vì thế, khi nghe mọi người giới thiệu về máy lọc nước thì tôi đầu tư ngay. Từ khâu mua đến khâu mang máy xuống tàu lắp đặt, hướng dẫn vận hành... đều nhờ bên đóng tàu liên hệ giúp, nên nếu hỏi thông tin về đơn vị sản xuất, đơn vị cung cấp, thời hạn bảo hành... thì tôi chịu thua”.
Tương tự anh Nam, mới đây ngư dân Bùi Thanh Nghĩa, ở Bình Chánh (Bình Sơn) cũng trang bị đồng hồ góc lái, một loại thiết bị giúp người lái điều khiển bánh lái thông qua nút ấn, hoặc tay điều khiển, thay vì phải giữ bánh lái liên tục như trước đây.
Bỏ ra hơn 40 triệu đồng để mua thiết bị đồng hồ góc lái, nhưng ngư dân Nghĩa cũng không biết đơn vị sản xuất thiết bị này. “Người bán chỉ đến giới thiệu, rồi lắp đặt tại tàu cho tôi. Hễ có hỏng hóc gì thì tôi liên hệ qua số điện thoại di động mà họ đã cung cấp. Về giá cả của thiết bị, họ nói bao nhiêu, mình mua bấy nhiêu, chứ không rõ giá trên thị trường là bao nhiêu”, ngư dân Nghĩa cho biết.
Mua máy móc, thiết bị thông qua trung gian và mua theo kiểu “rỉ tai”, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, giá cả sản phẩm... là những nguyên nhân khiến nhiều ngư dân phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn như mua phải hàng kém chất lượng, hoặc bị “móc túi” vì giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thật...
Như trường hợp của ngư dân Bùi Tín, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), dù đã vào tận TP.Hồ Chí Minh và bỏ ra gần 3 tỷ đồng để mua máy thủy Mitsubishi loại 950CV, nhưng cuối cùng chỉ nhận được động cơ máy thủy đã qua sử dụng, hiệu Yamaha, Mitsubishi (300-500HP) mà ông không hề hay biết. Mãi đến khi tàu ra khơi liên tục gặp hỏng hóc, trục trặc và phải nhờ đến cơ quan độc lập về tàu cá kiểm tra, ông Tín mới tá hỏa phát hiện giữa giấy tờ mua máy và máy lắp đặt trên tàu không trùng khớp các thông tin.
Trước thực tế trên, ngư dân trên địa bàn tỉnh đang rất cần kênh tổng đài hỗ trợ hoặc được ngành chức năng hướng dẫn, tư vấn về các đơn vị cung ứng uy tín, những hãng máy móc đạt chất lượng, để họ không phải “tự bơi” trước ma trận máy móc, trang thiết bị...
Ý THU