Sản xuất rau an toàn: Hướng đi hiệu quả

07:01, 25/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhiều địa phương đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn. Theo đó, hiệu quả kinh tế đem lại với mức lãi 130 – 150 triệu đồng/ha.

TIN LIÊN QUAN

Cho thu nhập cao

Ở xứ đồng Hóc Giang, xã Bình Chương (Bình Sơn) lâu nay người dân chỉ có thể sản xuất một vụ lúa, còn vụ hè thu vì thiếu nước, nên trồng một số cây hoa màu khác, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Xuất phát từ thực tế trên nên khi huyện triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm đặc trưng”, người dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất rau an toàn.

  Sản xuất rau an toàn tại xã Đức Chánh (Mộ Đức).
Sản xuất rau an toàn tại xã Đức Chánh (Mộ Đức).


Được sự hỗ trợ về chi phí ban đầu cũng như kỹ thuật, nên chỉ sau một thời gian ngắn xuống giống, người dân đã thu về kết quả khả quan. Do là rau trồng trái vụ, nên giá cao gấp nhiều lần so với chính vụ. Cụ thể, dưa leo chính vụ chỉ 2.000 đồng/kg, trong khi trái vụ có giá 8.000 đồng/kg; khổ qua chính vụ 4.000 đồng/kg nhưng trái vụ lên đến 10.000 đồng/kg... Như vậy, tính ra trung bình mỗi sào lãi 6,5 triệu đồng.

Ông Châu Văn An, cho hay: “Vừa rồi làm thử mô hình rau an toàn thấy cho thu nhập cao, bà con ở đây ai cũng mừng. Do đó chúng tôi quyết định tiếp tục sản xuất rau theo hướng an toàn trong thời gian tới và mong muốn nhân rộng mô hình”.

Còn tại xã Đức Chánh (Mộ Đức), mô hình trồng rau an toàn đã lan tỏa khắp địa phương với nhiều dự án có quy mô, thu nhập bình quân 120 – 200 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, mỗi dự án thu hút vài ba chục lao động thường xuyên, với thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Vào thời điểm thu hoạch, có dự án thu hút hàng trăm lao động thời vụ. Riêng dự án trồng rau, củ, quả tại thôn 4 hiện đã có 14 hộ tham gia, với số lao động thời vụ lúc cao điểm có thể lên đến vài trăm người.

Nhân rộng mô hình

Thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại rau màu chứa các chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Xuất phát từ thực tế đó, nhiều địa phương trong tỉnh đang hướng đến sản xuất theo hướng an toàn, bền vững hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống.

Hiện huyện Bình Sơn đã thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn tại hai xã Bình Chương và Bình Hải. Trong vụ đông xuân này, xã Bình Thới đã đăng ký xin thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn với 1,6ha. Theo đó, tất cả các hộ tham gia đều được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của huyện tập huấn về cách trồng cũng như quy trình sử dụng thuốc, phân bón để cho ra sản phẩm an toàn.

Chủ tịch UBND xã Bình Thới Nguyễn Văn Ngọc, cho hay: “Với mong muốn tạo ra một sản phẩm nông nghiệp an toàn, mang dấu ấn của địa phương, nên xã đã xin huyện làm đề án sản xuất rau an toàn. Ban đầu bà con cũng còn e ngại, vì sợ đầu ra không đảm bảo. Tuy nhiên, xã đã giao cho các hội đoàn thể chịu trách nhiệm về đầu ra khi đến kỳ thu hoạch. Chúng tôi nghĩ rằng, với diện tích rau trên thì không quá khó trong việc tìm đầu ra”.

Để khuyến khích người dân tham gia mô hình, bên cạnh sự hỗ trợ của huyện về phân bón, giống, Bình Thới cũng đã trích kinh phí của xã để thuê đất của những hộ có đất nằm trong khu vực quy hoạch sản xuất, nhưng không có lao động giao cho những hộ không có đất nhưng có nguồn lao động. Đồng thời, xã trích kinh phí để đóng 10 giếng nước, phục vụ nước tưới cho rau trong vụ hè thu. Như vậy, sau khi xuống giống, những hộ tham gia sản xuất rau an toàn chỉ có việc chăm sóc và hưởng lợi hoàn toàn.


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 


.