(Báo Quảng Ngãi)- Ghi nhật ký là quy định bắt buộc trong mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt hải sản của tàu cá. Tuy nhiên, hiện nay hầu như các chủ tàu đều không thực hiện, hoặc có ghi nhật ký đánh bắt theo kiểu đối phó để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Điều này ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản, cũng như kiểm soát nguồn gốc thủy sản khai thác.
Theo nhiều ngư dân, hầu hết tàu khai thác xa bờ đều thực hiện việc ghi chép nhật ký khai thác thủy sản. Bởi ngoài đảm bảo quy định của doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản, việc tuân thủ ghi nhật ký thủy sản là căn cứ để các chủ tàu được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Hải sản của Việt Nam sẽ vào được thị trường Châu Âu, nếu ngư dân khai thác hải sản ở ngư trường hợp pháp. |
Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu thủy sản từ Châu Âu coi nhật ký khai thác thủy sản đối với các lô hàng nhập vào thị trường này là một trong những quy định bắt buộc. Ngoài ra, các thị trường khác cũng đều áp dụng quy định này để truy xuất nguồn gốc, kiểm soát việc khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Song, ở mỗi phiên biển, không phải các chủ tàu cá, thuyền trưởng nào cũng chấp hành đúng quy định ghi nhật ký khai thác thủy sản. Đặc biệt, đối với nghề giã cào, việc ghi sổ nhật ký khai thác thủy sản hầu như không tàu nào thực hiện.
Thực tế, trước khi ra khơi, cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý, cấp giấy đăng ký, sổ danh bạ thuyền viên, đăng kiểm, nghề khai thác... Thế nhưng, chủ tàu thuyền đi ngư trường nào, đánh bắt loại thủy sản gì, bán ở đâu, cho ai thì không thể kiểm soát hết được.
Trong khi đó, các cơ sở thu mua thủy sản cũng mua từ nhiều tàu khác nhau, nên không thể biết hết nguồn gốc hàng hóa. Nếu ngư dân không chủ động ghi nhật ký, việc doanh nghiệp đi từng tàu để xác nhận nguồn gốc thủy sản đánh bắt, nhằm đáp ứng quy định của các thị trường nhập khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ngư dân Võ Sách, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) thừa nhận: “Trên biển, các tàu cá phải tận dụng thời gian để buông từng mẻ lưới. Chính vì thế, ngư dân khó có thể ghi chép cụ thể từng nội dung quy định trong nhật ký khai thác thủy sản. Nếu chỉ căn cứ trên nhật ký khai thác sẽ rất khó chính xác, vì việc ghi chép tùy tiện”.
Để ngư dân thực hiện việc ghi chép nhật ký thủy sản, thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền. Song việc ghi chép chính xác tọa độ khai thác là điều không dễ.
Phần lớn ngư dân còn giữ tâm lý giấu ngư trường, không muốn ghi, vì lộ vị trí đánh bắt của mình. Mặt khác, trình độ của nhiều ngư dân và thuyền trưởng còn hạn chế, nên việc vận hành thiết bị còn khó khăn. Hơn nữa, Nhà nước chưa có quy định bắt buộc các tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình kết nối với trạm bờ, nên việc quản lý phương tiện rất khó khăn.
Việc các tàu ghi chép nhật ký khai thác thủy sản sẽ thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc. |
Báo cáo khai thác và ghi nhật ký khai thác thủy sản là nội dung rất cần thiết. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản khai thác, cũng như kiểm soát được nguồn gốc thủy sản, bên cạnh việc ngư dân cần thích ứng nhanh với việc ghi nhật ký khai thác thủy sản. Cơ quan chức năng cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời có chế tài để xử lý vấn đề này. Đây cũng là một trong những giải pháp để ngăn chặn tình trạng tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Bài, ảnh: HỒNG HOA