Cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất cho người dân vùng lũ

02:11, 16/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trận lũ dữ vừa qua đã cướp đi sinh mạng, tài sản, ruộng vườn của nhiều người dân Quảng Ngãi. Một số hộ vay vốn đầu tư phát triển kinh tế chưa kịp thoát nghèo, nay lại rơi vào cảnh trắng tay. Người dân rất cần chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất và tiếp cận nguồn vốn mới để tái sản xuất, vượt qua khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Trắng tay

Cơn lũ vừa qua đã tàn phá hàng nghìn hécta lúa, hoa màu và nhiều loại cây trồng khác, khiến nhiều nông dân, tiểu thương, hộ kinh doanh... rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần. Chị Nguyễn Thị Kiều Trang, xã Bình Mỹ (Bình Sơn), cho biết: “Tôi vay ngân hàng 200 triệu đồng để buôn bán, kinh doanh và làm nghề sửa xe. Bình thường làm ăn cũng được, nên tôi rất mừng vì hằng tháng có tiền trả nợ cho ngân hàng. Vậy mà vui chưa được bao lâu thì lũ đã làm hư hỏng và cuốn đi nhiều thứ. Giờ chỉ mong ngân hàng xem xét, kéo dài thời gian trả nợ và ưu đãi lãi suất thấp hơn để những hộ kinh doanh nhỏ như chúng tôi có điều kiện làm ăn, khôi phục lại kinh tế”.

Ngôi nhà cùng cửa hàng vật liệu xây dựng của chị Vũ Thị Quỳnh bị thiệt hại nặng do lũ.
Ngôi nhà cùng cửa hàng vật liệu xây dựng của chị Vũ Thị Quỳnh bị thiệt hại nặng do lũ.


Cùng chung cảnh ngộ với chị Trang, chị Vũ Thị Quỳnh, xã Bình Minh vay 300 triệu đồng của Ngân hàng Quân đội để kinh doanh vật liệu xây dựng. Nhờ buôn bán có lãi, nên chị đã trả được 100 triệu đồng tiền nợ. Vừa qua, chị tiếp tục nhập nhiều hàng mới về để chuẩn bị phục vụ nhu cầu sửa sang lại nhà cửa đón Tết của người dân trên địa bàn. Song hàng vừa nhập về chưa bán được thì lũ ập đến. Không chỉ ngôi nhà của chị bị sập, mà khối tài sản có được từ vốn vay của ngân hàng cũng bị chìm trong nước.

Chị Quỳnh chia sẻ: “Vợ chồng tôi mới ra kinh doanh được hai năm. Vốn tự có không đáng là bao, nên cầm sổ đỏ vay của ngân hàng. Bao nhiêu tài sản đổ vào đó hết, giờ chẳng còn chi. Hôm ngôi nhà bị sập, cũng là lúc tin nhắn ngân hàng báo nợ. Lúc ấy tôi chỉ biết ngồi ôm con khóc. Không biết những ngày sắp tới phải sống sao đây...”.

Bên cạnh những hộ kinh doanh, tiểu thương vay vốn từ các ngân hàng để sản xuất kinh doanh thì cũng có rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) để phát triển kinh tế. Vì vậy, sau lũ những đối tượng này lại đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, những người vay vốn đầu tư phát triển kinh tế nhưng chưa kịp thoát nghèo, nay lại rơi vào cảnh trắng tay.

Cần chính sách hỗ trợ

Trước những thiệt hại do mưa lũ, ngày 8.11, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện ngay một số nội dung hỗ trợ người dân bị thiệt hại do cơn bão số 12. Theo đó, các tổ chức tín dụng rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng vay mới khôi phục sản xuất sau ảnh hưởng của bão; đồng thời, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng theo các quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng CSXH.

Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường, cho biết: “Để giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra, Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các hội đoàn thể, tổ tiết kiệm vay vốn nắm chắc tình hình thiệt hại của các đối tượng vay vốn, để có biện pháp xử lý các khoản nợ có tính rủi ro và nắm chắc nhu cầu vốn của các đối tượng này để hỗ trợ vốn khôi phục sản xuất trong thời gian đến”.

Còn theo lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh Quảng Ngãi, đơn vị này cũng đang chỉ đạo các chi nhánh ở các huyện kiểm tra mức độ thiệt hại do lũ gây ra tại các địa phương. Theo đó, đối với những hộ vay vốn của ngân hàng mà bị thiệt hại nặng, sẽ xem xét để cơ cấu lại nợ. Ngoài ra, sẽ ưu tiên nguồn vốn cho những hộ có nhu cầu vay mới, tái sản xuất kinh doanh.


Bài, ảnh: HỒNG HOA



 


.