(Báo Quảng Ngãi)- Thiếu hụt nguồn nhân lực được xem là nguyên nhân khiến ngành nông nghiệp rơi vào cảnh “đi trước về sau” như hiện nay...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Công việc quá tải
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Văn Sơn cho biết, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản; bảo tồn và phát huy nguồn lợi thủy sản; thẩm định dự án đầu tư trong lĩnh vực thủy sản... thì đơn vị cần đến 80 biên chế. Tuy nhiên, hiện nay Chi cục chỉ có 20 biên chế, nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả giải quyết công việc.
Theo ông Sơn, chỉ riêng lĩnh vực tàu thuyền cũng đã cần 15-20 biên chế đảm nhận. Bởi với hơn 5.500 chiếc tàu, trong đó có trên 60% tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, phải cần hàng chục biên chế phụ trách việc hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân thực hiện các thủ tục đóng, sửa chữa; kiểm định tàu thuyền, các cơ sở đóng tàu, tham mưu và giải quyết việc thực hiện các chính sách...
Trong khi đó, ngành lâm nghiệp cũng phàn nàn tình trạng “quá tải” công việc diễn ra ngày càng trầm trọng. Tại BQL rừng phòng hộ khu Đông huyện Ba Tơ, chỉ với 6 biên chế, nhưng phải quản lý, bảo vệ trên 13.700ha rừng, trung bình mỗi người đảm nhận trên 2.200ha rừng. Trong khi đó, theo Quyết định 17 của Thủ tướng Chính phủ, một biên chế đảm nhận việc kiểm tra, bảo vệ 700ha rừng.
“Phạm vi phân bổ rộng, diện tích rừng đảm nhận lớn, địa hình hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, trong khi lực lượng mỏng, nên hiệu quả bảo vệ rừng cũng không như mong muốn. Vì vậy, nhiều lúc xảy ra tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng, nhưng chúng tôi cũng không thể phát hiện và ngăn chặn kịp thời”, Giám đốc BQL rừng phòng hộ khu Đông huyện Ba Tơ Phạm Thuần bày tỏ.
Không chỉ thủy sản, lâm nghiệp mà nhiều đơn vị, cơ quan trực thuộc Sở NN&PTNT đều phàn nàn tình trạng thiếu hụt nguồn lực, khiến công việc quá tải. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô, thì: “Các đơn vị phải chia sẻ khó khăn chung với ngành. Bởi, theo Nghị định số 108 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, tỷ lệ tinh giản đến năm 2021 tối thiểu là 10% so với biên chế được giao năm 2016. Vì vậy, giai đoạn 2017- 2020, biên chế chỉ giảm, chứ không thể tăng".
Giới trẻ không mặn mà với nông nghiệp
Ngày càng nhiều bạn trẻ bỏ nông thôn lên thành phố tìm cơ hội lập nghiệp hoặc tập trung vào các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động. Làng quê vắng bóng thanh niên, nên lực lượng lao động nông nghiệp hiện nay hầu hết là người lớn tuổi. Điều này khiến ruộng nương dần hoang hóa, hiệu suất sử dụng đất ngày càng suy giảm. Vì vậy, nguy cơ “phi nông” cũng dần manh nha.
Giới trẻ cho rằng "kỹ sư nông nghiệp cũng phải xuống đồng cùng nông dân" nên ngại lựa chọn khối ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. |
Theo lão nông Nguyễn Dụng, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), thực trạng trên là do người trẻ “thấm” được cái cực, cái khổ của ông bà, cha mẹ mình. Người làm nông nghiệp quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng cũng chỉ đủ ăn. Điều này đã hun đúc giới trẻ ý chí đổi đời, cộng với sự cổ vũ của người lớn tuổi động viên con cái mình cố gắng học hành, hoặc ly hương để thoát khỏi nông nghiệp, thoát cảnh chân lấm tay bùn.
Không chỉ lao động nông thôn “phi nông”, mà học sinh sau khi tốt nghiệp THPT cũng ít lựa chọn các khối ngành nông, lâm nghiệp để lập nghiệp. Bởi theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ năm 2015 đến nay, nhóm ngành nông-lâm-ngư nghiệp và công nghệ rơi vào diện... khó tuyển.
“Làm nông nghiệp cực quá, như ba mẹ em làm quần quật cả ngày lẫn đêm, mà vẫn không đủ nuôi ba chị em ăn học. Hơn nữa, học các khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp khi ra trường vẫn phải lên rừng, xuống biển, ra đồng cùng nông dân mà lương lại thấp. Vì vậy, em sẽ thi vào các khối ngành kinh tế-tài chính”, em N.T.T.H, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) bộc bạch lý do “chê” khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp.
Những lý do trên khiến nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang gặp không ít khó khăn. Bởi, xu thế của ngành nông nghiệp hiện đại không phải “con trâu đi trước cái cày theo sau” mà là nông nghiệp cơ giới hóa toàn diện, sản phẩm đạt chuẩn VietGap, GlobalGap để có thể giao thương, buôn bán với các thị trường khó tính... Tuy nhiên, vì nguồn lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao, nên sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào kinh nghiệm của những lão nông tri điền. Vì vậy, năng suất và chất lượng sản phẩm có tính cạnh tranh thấp.
Giải pháp cho ngành nông nghiệp
Khi các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp bày tỏ nguyện vọng xin thêm biên chế, nhiều ý kiến cho rằng, hiệu quả công việc không phụ thuộc vào số lượng biên chế, mà là biện pháp và cách thức tổ chức thực hiện. Song, Giám đốc BQL rừng phòng hộ khu Đông huyện Ba Tơ, cho rằng: “Việc phân bổ biên chế không nên “chia đều” mà phụ thuộc vào đặc thù ngành nghề, tính chất công việc. Như ngành lâm nghiệp, thủy sản có quy mô quản lý rộng, thường xuyên di chuyển, nên cần nguồn nhân lực tương ứng với khối lượng công việc”.
Trong khi cơ quan quản lý chật vật xin tăng biên chế, thì việc thu hút nguồn nhân lực đã qua đào tạo tham gia làm nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới cũng gặp nhiều khó khăn. Đã thế, năng lực của một bộ phận công chức cấp xã phụ trách lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy lợi còn yếu so với yêu cầu nhiệm vụ; một số còn tỏ ra lúng túng, làm việc thụ động. Đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ trách nông nghiệp, khuyến nông viên, thú y viên cơ sở còn nhiều bất cập.
Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lê Văn Việt cho rằng, đây là đội ngũ quan trọng trực tiếp tham gia thực hiện các chương trình nông nghiệp, nông thôn mới, nhưng công tác quản lý chồng chéo, chế độ đãi ngộ thấp, trình độ chuyên môn hạn chế... nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc. “Vì vậy, bên cạnh công tác đãi ngộ thì một trong những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngành nông nghiệp là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức xã phụ trách lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy lợi; cán bộ quản lý hợp tác xã, đội ngũ kỹ thuật viên”, ông Lê Văn Việt đề xuất.
Ngoài ra, thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là cách để bổ sung nguồn nhân lực. Chỉ có DN mới đủ nguồn lực du nhập trang thiết bị, máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập, mà còn tạo môi trường làm việc năng động, phù hợp với lực lượng lao động đã qua đào tạo.
Bài, ảnh: MỸ HOA