Cú huých nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

03:09, 03/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) là hướng phát triển hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường, nên thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thu hút, mời gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nhiều tiềm năng này.

Nông dân lợi kép

Dù đã hai năm liên kết với Công ty Nông Tín sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ, nhưng hiện giờ, ông Trần Văn Hùng, ở thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. “Trong khi các đám ruộng xung quanh chỉ được băm một lần, dùng thuốc diệt cỏ và phun thuốc bảo vệ thực vật thì ruộng mình phải cày dầm cày ải, diệt cỏ dại bằng... tay, sử dụng phân chuồng, kết hợp bón phân và phân thuốc vi sinh”, ông Hùng lý giải. Chính vì vậy mà mỗi lần xuống giống, ông Hùng vẫn hoài nghi. Nhất là khi lượng phân bón nhiều mà cây lúa chỉ “xanh nhạt, vàng chanh” chứ chẳng tốt bời bời như lúa bên cạnh!

Cánh đồng LĐ1 là mô hình sản xuất lúa sạch đầu tiên trên địa bàn Quảng Ngãi.
Cánh đồng LĐ1 là mô hình sản xuất lúa sạch đầu tiên trên địa bàn Quảng Ngãi.


Đến khi thu hoạch, năng suất giống lúa đen LĐ1 đạt trên 40 tạ/ha, giống BM125 đạt 55 tạ/ha và được Công ty Nông Tín bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá thu mua cao gấp 1,5 lần giá thị trường, thì ông Hùng cũng như nhiều nông dân mới thở phào nhẹ nhõm.

Cùng với Hành Nhân, Công ty Nông Tín cũng đầu tư sản xuất 20ha lúa sạch, lúa hữu cơ tại xã Hành Dũng (Nghĩa Hành). Tham gia sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ, bà con nông dân không chỉ tiếp cận các quy trình sản xuất phù hợp, mà còn nâng cao ý thức sản xuất và bảo vệ môi trường. Vì vậy, dù bỡ ngỡ, lo lắng, nhưng nông dân đã tin tưởng DN, hào hứng đăng ký tham gia sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ. “Vì vậy, chúng tôi luôn luôn nghiên cứu để hoàn thiện quy trình và mở rộng diện tích sản xuất, cải thiện mẫu mã, đồng nhất chất lượng để hướng đến thị trường xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập cho nông dân”, đại diện lãnh đạo Công ty Nông Tín chia sẻ.
 

Để nông nghiệp công nghệ cao tạo đột phá, bên cạnh sự tích cực của doanh nghiệp và nông dân, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc tháo gỡ hạn điền, tích tụ ruộng đất, để hình thành những cánh đồng lớn, diện tích tập trung”.
Giám đốc Sở NN&PTNT DƯƠNG VĂN TÔ 

Còn tại huyện Đức Phổ, chính quyền địa phương và nông dân cũng quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp ƯDCNC với cây mía. Với sự tiếp sức của Nhà máy Đường Phổ Phong, huyện Đức Phổ chỉ đạo các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN, cá nhân thuê đất tích tụ, đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất. Vì vậy, đến nay, huyện Đức Phổ đã có hàng chục cánh đồng mía lớn có diện tích từ 10ha trở lên.

Canh tác tại các cánh đồng này, thay cho sức của nông dân phần lớn là các loại máy móc. Từ việc làm đất, trồng, bón phân, chăm sóc đến thu hoạch, dọn vệ sinh sau thu hoạch đều do máy móc đảm nhận. Sự thay đổi này không chỉ giúp nông dân chuyên nghiệp hơn, tiết kiệm công sức và thời gian sản xuất hơn, mà hiệu quả sản xuất cũng tăng mạnh. Cụ thể, năng suất mía bình quân của huyện Đức Phổ đạt 70 tấn/ha, cao hơn đại trà toàn tỉnh 17 tấn/ha. Riêng những cánh đồng mía lớn có nơi đạt năng suất 100 tấn/ha, vì thế nông dân rất đồng tình và hưởng ứng hướng phát triển này. “Ứng dụng cơ giới hóa nên chi phí sản xuất giảm 30-40%, trong khi năng suất tăng gần gấp đôi, nên dù giá mía thấp, nông dân vẫn có lãi”, ông Nguyễn Huệ, xã Phổ Cường cho biết.

Cần “tháo hạn điền”

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân cho rằng, muốn nông nghiệp đột phá, nông dân thoát cảnh “được mùa rớt giá” thì phải đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Bởi ƯDCNC không chỉ tạo chuỗi liên kết giá trị bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, mà còn giúp nông dân thoát tư tưởng sản xuất tiểu nông, mạnh dạn hòa nhập với nền kinh tế thị trường.

 Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ sẽ góp phần giúp nông nghiệp đột phá.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ sẽ góp phần giúp nông nghiệp đột phá.


 “Nền sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ nên nông dân cũng canh tác theo phương thức “góp nhặt”, phụ thuộc vào kinh nghiệm của bản thân nên mỗi người làm một kiểu. Vì vậy, hình dáng và chất lượng sản phẩm cũng muôn hình muôn vẻ, không đồng nhất nên khó cạnh tranh”, ông Tân khẳng định. Ngoài ra, việc sản xuất manh mún như hiện nay cũng khiến nông dân phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, lại mải miết chạy theo thị trường lắm rủi ro. Thế mới có chuyện loại nông sản được DN hợp đồng bao tiêu đầu ra ổn định thì nông dân lại lơ. Còn loại không có DN bao tiêu, hoặc DN cam kết thu mua... bằng miệng thì nông dân lại ồ ạt sản xuất, đến khi sản phẩm tồn đọng, không ai mua thì khẩn thiết mong... giải cứu!

Thực trạng này khiến nông dân trong tỉnh không thoát được vòng luẩn quẩn được mùa rớt giá, nên thường thua lỗ, ai may lắm là hòa vốn. Vì vậy, để ổn định lại ngành sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã xác định mục tiêu: Cần thiết phải ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, chuyển từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp ƯDCNC, để tạo ra chuỗi sản phẩm chất lượng và đặc thù, có giá trị cạnh tranh cao. Để đạt mục tiêu này, điều kiện tiên quyết là phải có sự tham gia của DN.   

Thời gian qua, nhiều DN lớn như Tập đoàn Quế Lâm, Công ty Sữa Vinamilk đã tiến hành khảo sát địa điểm và xúc tiến đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao với các sản phẩm là gạo sạch, gạo hữu cơ và sữa. Trong khi Tập đoàn Quế Lâm đã tiến hành “sản xuất thử” lúa sạch tại xã Bình Dương (Bình Sơn), thì Vinamilk cũng đang triển khai Dự án nuôi bò sữa tại huyện Mộ Đức với quy mô 4.000 con bò sữa, vốn đầu tư 750 tỷ đồng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng, liên kết sản xuất với các DN lớn như Tập đoàn Quế Lâm, Vinamilk nông dân không chỉ được “độc quyền” về giống, phân bón và thuốc vi sinh, quy trình sản xuất mà còn được DN cam kết bao tiêu đầu ra, bảo hiểm hiệu quả sản xuất... “Tuy nhiên, để nông nghiệp công nghệ cao tạo đột phá, bên cạnh sự tích cực của DN và nông dân, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc tháo gỡ hạn điền, tích tụ ruộng đất, để hình thành những cánh đồng lớn, diện tích tập trung”, ông Tô cho biết.


        Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.