(Báo Quảng Ngãi)- Dù đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, nhưng việc triển khai nhân rộng các công thức, mô hình luân canh cây trồng còn gặp nhiều trở ngại...
TIN LIÊN QUAN |
---|
So với cây lúa, lợi nhuận từ các cây trồng cạn như bắp tăng 1,7 lần; đậu các loại tăng 2,6 lần; đậu phộng tăng 2,8 lần. Tỷ suất lợi nhuận thu được trên chi phí đầu tư cho 1ha lúa là 37,5%, bắp 76,8%, đậu phộng 69,6% và đậu các loại 116,4%...
Hiệu quả “kép”
Vụ hè thu, thay vì sản xuất lúa, nông dân thị trấn Mộ Đức, xã Đức Thắng, Đức Phú (Mộ Đức) và Bình Minh (Bình Sơn) lại triển khai trồng đậu phộng, bắp trên diện tích đất chân cao hoặc không chủ động nước tưới. “So với lúa, trồng đậu phộng khỏe hơn mà lợi nhuận cao hơn”, bà Nguyễn Thị Cầm, thôn Mỹ Khánh, xã Đức Thắng cho biết.
Chủ động luân canh cây trồng, nhưng nhiều nông dân luôn canh cánh nỗi lo “được mùa, mất giá”. ẢNH: TL |
Cũng theo bà Cầm, chi phí đầu tư trồng đậu phộng thấp mà giá trị lại cao, đầu ra ổn định. Hơn nữa, đất sau khi trồng đậu sẽ màu mỡ hơn, nên việc sản xuất lúa sau đó cũng nhẹ phân bón, ít sâu bệnh mà năng suất lại cao.
Đối với người trồng rau ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức), việc luân canh các loại rau màu cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Thay vì trồng la ghim như các vùng rau khác thì vụ thu đông, bà con chỉ sản xuất rau má, rau mã đề và cà tím. “Trồng la ghim vụ thu đông vừa dễ rủi ro do mưa gió, vừa khó bán do nhiều nơi cùng sản xuất”, chị Trần Thị Hồng, thôn Lương Nông Nam lý giải. Chính vì vậy, hiện nay, chị Hồng tập trung làm đất, xuống giống 2 sào rau mã đề cùng 1 sào cà tím.
Thực tế, người trồng rau vụ sản xuất thu đông thường rơi vào cảnh “mất mùa được giá” hoặc thiệt hại do mưa gió. Bởi, các loại la ghim như cải, xà lách, hẹ, tần ơ, rau muống, mồng tơi, bồ ngót... tuy có thời gian thu hoạch ngắn, nhưng lại dễ bị dập nát do mưa gió. Điều này khiến năng suất và chất lượng rau bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng thương lái ép giá. Vì vậy, việc luân canh các loại rau phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng như người dân xã Đức Thạnh được xem là giải pháp “né” rủi ro hữu hiệu.
Trở ngại khi nhân rộng
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lê Văn Việt cho biết, việc luân canh cây trồng bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Đó là giúp nông dân chủ động cơ cấu các loại cây trồng mới, tiết kiệm nước tưới, giảm chi phí sản xuất, dễ quản lý dịch hại, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập. “Thực hiện các công thức, mô hình luân canh giúp nông dân tiếp cận cây trồng mới, nâng cao nhận thức về chuyển đổi cây trồng, góp phần hạn chế rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa khi luân canh, giá trị kinh tế thu được trên một đơn vị diện tích, cao gấp 3-4 lần so với sản xuất lúa độc canh”, ông Việt khẳng định.
Bắp là một trong những đối tượng nông dân chọn luân canh, nhằm phá thế độc canh cây lúa. |
Tuy nhiên, để các mô hình và công thức luân canh cây trồng phát huy hiệu quả, cần sự hợp tác của nông dân. Thực tế, không có nhiều nông dân duy trì và phát huy hiệu quả của các công thức, mô hình luân canh, mà lại sản xuất theo kinh nghiệm và phong trào chung. Vì vậy, một số đối tượng cây trồng không được ngành chuyên môn khuyến cáo như ớt, dưa hấu lại được nông dân sản xuất với diện tích lớn và thường xuyên. Còn các loại như bắp, đậu phộng, mè... thì làm theo kiểu cầm chừng, đối phó.
Khắc phục tình trạng trên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lê Văn Việt cho rằng, cùng với sự nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc đối tượng cây trồng để xây dựng các công thức luân canh phù hợp của ngành chuyên môn thì, chính quyền cơ sở cũng cần quan tâm hơn đến việc duy trì việc “luân canh cây trồng”. Bởi thực tế, chính quyền nhiều địa phương “thả nổi” việc ứng dụng, duy trì các mô hình, công thức luân canh cây trồng cho ngành nông nghiệp và nông dân. Vì vậy, sau khi “nhận” chuyển giao, nông dân phải tự bơi nên “đuối sức”, phải trở lại sản xuất theo kinh nghiệm và phong trào nên rất lãng phí.
Bài, ảnh: MỸ HOA