(Báo Quảng Ngãi)- UBND tỉnh vừa phê duyệt danh sách 20 ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67, nâng tổng số tàu được phê duyệt đóng mới theo Nghị định 67 là 98 chiếc (27 tàu vỏ thép, 64 tàu vỏ gỗ và 7 vỏ composite). Đến thời điểm này, đã có 31 chiếc vỏ gỗ, 9 tàu vỏ thép hoàn thành đưa vào sử dụng; đang thi công đóng mới 2 tàu vỏ thép, 3 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngư dân và ngân hàng than... khó!
Mặc dù theo Nghị định 67, ngư dân vay vốn chỉ cần thế chấp tàu, nhưng thực tế, ngân hàng yêu cầu thêm sổ đỏ. Bất cập này khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn, vì khi cần vốn mở rộng quy mô đầu tư, xử lý rủi ro, hoặc cải thiện sinh kế mùa biển động, thì họ không biết phải xoay xở thế nào. “Nhiều khi làm ăn thua lỗ, hoặc gặp rủi ro, ngư dân cần vốn tái đầu tư, nhưng chẳng có gì để thế chấp, đành phải vay nóng đầu nậu với lãi suất khá cao”, ngư dân Huỳnh Rin, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết.
Cảng biển bồi lấp khiến tàu thuyền công suất lớn thường "mắc cạn" mỗi khi ra vào. |
Trong khi đó, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, số tiền vay lớn, thời gian vay lại kéo dài, nên cần phải thế chấp cả tàu lẫn sổ đỏ để tăng trách nhiệm cho ngư dân. Hơn nữa, hầu hết các đối tượng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 là khách hàng đơn lẻ, nên rất khó kiểm soát do đặc thù bám biển dài ngày. Vì vậy, dù đã được phê duyệt, nhưng ngư dân lại tự ý thay đổi vật liệu, kích thước tàu, dẫn đến thay đổi dự toán, gây khó khăn trong công tác thẩm định và thanh toán nợ. Đơn cử như trường hợp ngư dân Phan Văn Thái, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) khi duyệt vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 67, tàu ông Thái được thiết kế hành nghề lưới vây. Nhưng khi hạ thủy đưa vào sử dụng, ông Thái lại “thêm” nghề lưới kéo!
Theo phản ánh của ngư dân, việc khai thác hải sản hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nên họ có ý định chuyển đổi hoặc “thêm” nghề để nâng cao năng lực sản xuất. Ngư dân P.T.T, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho rằng, tàu hành nghề lưới rê có thể kiêm thêm nghề chụp để tăng hiệu quả khai thác. Tuy nhiên, thủ tục để tàu có thể “kiêm thêm nghề” quá rườm rà, phức tạp, nên hiện giờ ông T cũng chẳng biết làm thế nào.
Một vướng mắc nữa là, thời gian gần đây, ngư dân trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn khi cập bến ở âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). “Chúng tôi rất mong các ngành chức năng ở tỉnh sớm xây dựng các âu thuyền có đầy đủ dịch vụ hậu cần nghề cá, để chúng tôi về quê neo đậu. Chứ cứ đậu nhờ cảng bạn, vừa tốn kém lại không yên tâm”, ngư dân Âu Xuân Tiên, xã Bình Hải (Bình Sơn) bày tỏ.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Quảng Ngãi cho rằng, hiện đang xảy ra tình trạng một số ngư dân ỷ lại, không chấp hành việc trả nợ đúng hạn, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Nguyên nhân là theo Nghị định 67, mức vay từ 70-95% giá trị tàu, lãi suất hấp dẫn, nên nhiều hộ thiếu kinh nghiệm trong quản lý, vận hành khai thác hải sản cũng vay vốn đóng tàu. Trong khi đó, ngân hàng lại không kiểm soát, sàng lọc hết được những đối tượng có nhu cầu thực sự. Vì vậy, đơn vị này kiến nghị các ngành chức năng nghiên cứu, sửa đổi hạ mức vay vốn hoặc áp dụng hình thức hỗ trợ phù hợp để tăng trách nhiệm cho ngư dân.
Về phía ngư dân, bên cạnh kiến nghị Nhà nước cần đầu tư hoàn thiện bến bãi, âu thuyền neo đậu, việc xây dựng nhà máy đóng tàu vỏ thép đủ tầm tại miền Trung cũng cần được quan tâm. Bởi hiện nay, các nhà máy đóng tàu và sửa chữa tàu vỏ thép ở xa, nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn khi tàu trục trặc hoặc muốn tu sửa, làm nước.
Trước mong muốn trên của ngư dân, Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến nghề cá; giải quyết thủ tục hành chính “một cửa, tại chỗ” cho ngư dân... Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ huy động nhiều nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các cảng cá chuyên dụng, khu neo đậu tránh trú bão, đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua, chế biến hải sản, tạo điều kiện cho ngư dân trong quá trình khai thác, bảo quản và tiêu thụ hải sản.
Thực tế, các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ; thủ tục đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 thời gian đầu còn rườm rà, quản lý chồng chéo, khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn khi tàu gặp trục trặc. Vì vậy, không chỉ ngư dân mà chính quyền cơ sở và các tổ chức tín dụng mong muốn Nhà nước sớm nghiên cứu, điều chỉnh và sửa đổi những nội dung chưa phù hợp; tạo điều kiện để ngư dân chủ động lựa chọn mẫu tàu, ngành nghề, cơ sở đóng tàu, máy móc cũng như các tổ chức tín dụng để vay vốn.
Bài, ảnh: MỸ HOA