(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều vạt rừng phòng hộ của hồ chứa nước Núi Ngang tại xã Ba Liên (Ba Tơ) bị tàn phá, thay vào đó là keo non mọc lên. Tình trạng phá rừng phòng hộ, để lấy đất trồng keo ở đây tồn tại trong rất nhiều năm, khiến rừng bị thu hẹp dần...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ ngày cây keo có giá, tình trạng phá rừng trồng keo ngày càng tinh vi, manh động hơn. Rừng phòng hộ đang ngày càng teo tóp dần để lấy đất trồng keo.
Rừng liên tục bị “xóa sổ”
Khoảng 11.000m2 rừng phòng hộ bị xóa sổ, đó là số liệu do Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi cung cấp cho phóng viên, sau khi đi kiểm tra vụ phá rừng mới đây tại khoảnh 7, tiểu khu 366, xã Ba Liên. Cũng tiếp cận hiện trường tại khu vực này, chúng tôi thấy hai khoảnh rừng cách nhau chừng 500m bị triệt hạ không thương tiếc, với nhiều cây có đường kính từ 30- 40cm trơ gốc.
Rừng phòng hộ ở xã Ba Liên (Ba Tơ) bị triệt hạ. |
Kiểm lâm địa bàn và BQL rừng phòng hộ khu Đông phát hiện vụ phá rừng này vào ngày 11.8. Hiện trạng lúc mới phát hiện, thì cây trong rừng phòng hộ chỉ mới bị đốn hạ. Đến thời điểm hiện tại khu vực này đã bị đốt sạch và bắt đầu trồng keo.
Tại khu vực rừng thứ hai bị phá mà chúng tôi được tiếp cận trưa ngày 21.9, nhiều vạt rừng vừa bị đốt, có chỗ còn bốc khói. Gỗ rừng chất thành đống. Đây là một trong rất nhiều những vụ phá rừng bị lực lượng quản lý, bảo vệ rừng phát hiện.
Tính từ năm 2014 đến nay, năm nào cũng xảy ra tình trạng phá rừng phòng hộ ở khu vực hồ Núi Ngang. Thống kê, trong năm 2016 trên địa bàn xã Ba Liên có 34 vụ lấn chiếm và phá rừng. Trong đó, xảy ra 22 vụ lấn chiếm với diện tích trên 120.000m2, 12 vụ phá rừng mới trên 26.000m2. Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Núi Ngang có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước. Song trước tình trạng hàng chục hec-ta rừng bị xóa sổ trong năm 2016 và vẫn đang tiếp diễn, thì đó là điều đáng báo động.
Người dẫn đường, cũng là người dân địa phương cho biết, cách phá rừng của nhiều đối tượng thực hiện một cách công phu và có tính toán. Đầu tiên là cưa hạ một khoảng nhỏ, sau đó đốt cháy. Mỗi ngày phá một ít, theo kiểu “vết dầu loang” cứ thế sẽ lấn dần. Nếu cưa hạ trên diện tích lớn, sẽ bị kiểm lâm phát hiện và xử lý ngay.
"Về vụ việc phá rừng ở tiểu khu 366, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm của tỉnh đi kiểm tra, sắp tới đây sẽ có hướng xử lý quyết liệt". Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ HUỲNH THƯƠNG |
Cần giải pháp căn cơ
Kể từ ngày hồ Núi Ngang đưa vào sử dụng, đã phục vụ tưới tiêu cho hàng nghìn hec-ta đất nông nghiệp ở hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ. Tuy nhiên, trái với tâm trạng vui mừng của những hộ dân vùng hạ lưu, người dân xã Ba Liên đã từng nhường khu vực của mình sinh sống và sản xuất để phục vụ xây dựng hồ Núi Ngang đang hết sức khó khăn.
Chủ tịch UBND xã Ba Liên Phạm Văn Cu chia sẻ: Trước kia, vì lợi ích chung người dân Ba Liên đã nhường đất, để xây dựng hồ Núi Ngang cũng như trồng rừng phòng hộ ở khu vực này. Tuy nhiên, khi chuyển về nơi ở mới, nhiều hộ không còn đất canh tác, khiến cuộc sống khó khăn. Nguồn sinh kế bị mất, họ quay lại lấn chiếm, phá rừng để lấy đất sản xuất. Cũng tại khu vực này, Nhà nước có chủ trương trồng rừng theo Chương trình 661.
Chương trình này, cũng mang lại nhiều lợi ích cho những hộ tham gia. Tuy nhiên, sau khi xây dựng hồ Núi Ngang, Nhà nước chuyển hầu hết diện tích đất rừng này của người dân sang rừng phòng hộ và chỉ hỗ trợ tiền phần diện tích đất bị ngập dưới lòng hồ. Diện tích còn lại không được đền bù, khiến người dân bức xúc. Vấn đề này, người dân cũng đã phản ánh rất nhiều lần trong các buổi tiếp xúc cử tri.
"Về góc độ địa phương, trách nhiệm bảo vệ rừng thì vẫn phải tiếp tục làm. Nhưng chúng tôi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chuyển những vị trí rừng phòng hộ ít xung yếu sang đất sản xuất, để người dân có nguồn sinh kế, ổn định cuộc sống", ông Cu kiến nghị.
Gỗ bị cưa chất thành đống. Ảnh nhỏ: Nhiều thân cây gỗ lớn bị triệt hạ không thương tiếc. |
Ngoài nguyên nhân khách quan trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Huỳnh Thương cho biết: "Cùng là vùng giáp ranh nằm sát nhau, nhưng ở Đức Phổ thì là rừng sản xuất, còn bên Ba Liên thì là rừng phòng hộ. Trong khi người dân Ba Liên đã nhường đất rừng của mình để xây dựng hồ Núi Ngang, nhằm phục vụ tưới tiêu ở các huyện Mộ Đức, Đức Phổ. Chính điều này cũng tạo tâm lý so bì cho các hộ dân Ba Liên. Hơn nữa, việc hỗ trợ đền bù cho dân nhường đất không thỏa đáng, dẫn đến những bất cập kéo dài mãi đến bây giờ".
Tổng diện tích rừng phòng hộ hồ Núi Ngang khoảng 5.000ha, tập trung nhiều nhất ở xã Ba Liên. Riêng diện tích rừng phòng hộ ở tiểu khu 366 khoảng 800ha. Đánh giá về vụ phá rừng ở tiểu khu 366, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi Nguyễn Đại cho hay: "Sau khi đi kiểm tra chúng tôi nhận định đây là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đã mời hai đối tượng nghi ngờ phá rừng lên làm việc, điều tra, xác minh để có biện pháp xử lý".
Khi phóng viên đặt câu hỏi, từ khi phát hiện, những người được giao trách nhiệm bảo vệ, quản lý rừng đã không xử lý triệt để vụ việc, ông Nguyễn Đại cho hay: "BQL rừng phòng hộ khu Đông đã không ngăn chặn kịp thời, để đối tượng phá rừng tiếp tục trồng keo trên diện tích đó, dẫn đến việc xử lý càng khó khăn hơn. Đây là khu vực rừng do BQL rừng khu Đông quản lý. Để mất rừng thì cơ quan này phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Tuy nhiên, hiện BQL rừng khu Đông chỉ có sáu cán bộ biên chế, trong khi phải quản lý, bảo vệ trên 10.000ha rừng. Chính vì lực lượng mỏng, rừng lại nhiều, nên đơn vị này chỉ cố gắng hạn chế thấp nhất nạn phá rừng, chứ ngăn chặn triệt để là điều không thể".
Tình trạng phá rừng phòng hộ Núi Ngang tồn tại dai dẳng và như “vết dầu loang” sẽ chưa thể dứt, nếu cơ quan chức năng không có những giải pháp căn cơ, bền vững.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN