(Báo Quảng Ngãi)- Hằng năm, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức từ 6 - 10 hội chợ, triển lãm, góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều bất cập nảy sinh từ mỗi lần hội chợ, dù được chấn chỉnh, nhưng vẫn chưa hết lộn xộn.
TIN LIÊN QUAN
Hàng “dỏm” trà trộn
Mỗi hội chợ, quy mô lớn hay nhỏ, nhưng đều là nơi người tiêu dùng trực tiếp mua sắm tại các gian hàng. Trong đó, chủ yếu là các hội chợ đa ngành, hội chợ mừng xuân và các dịp lễ, sự kiện lớn của tỉnh. Tuy nhiên, cứ sau mỗi đợt hội chợ lại rộ lên bức xúc về cách ứng xử kinh doanh của người bán hàng, tình hình an ninh trật tự, chất lượng, giá cả hàng hóa... Đây là những điều cần nhìn nhận, đánh giá, chấn chỉnh, rút ra bài học kinh nghiệm.
Ban tổ chức "Hội chợ triển lãm công thương duyên hải miền Trung" kiểm tra hàng hóa bày bán tại hội chợ. |
Gần đây nhất, trong khuôn khổ Hội nghị kết nối cung cầu– Quảng Ngãi 2017, ban tổ chức đã tổ chức “Hội chợ triển lãm công thương Duyên hải miền Trung” kéo dài 7 ngày (từ 6 - 12.9).Theo đánh giá của người dân đến tham quan, mua sắm tại “Hội chợ triển lãm công thương Duyên hải miền Trung”, tình trạng bán hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vẫn tràn vào hội chợ khá nhiều. Mặc dù, trước đó lực lượng quản lý thị trường đã kiểm soát hàng hóa tham gia hội chợ. Đỉnh điểm là khi gần kết thúc hội chợ, lực lượng chức năng đã bắt quả tang, xử lý một vụ đưa hàng hóa kém chất lượng sản xuất tại Trung Quốc vào hội chợ.
Trước đấy, một số hội chợ mang tên “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, nhưng ban tổ chức lại cho phép đơn vị thực hiện kèm theo “hội chợ thương mại”. Đây chính là cơ hội để các đơn vị bán hàng đưa hàng kém chất lượng của nước ngoài vào hội chợ “hàng Việt Nam”, nhưng cơ quan chức năng vẫn không thể buộc dừng lưu thông loại hàng hóa này trong suốt những ngày diễn ra hội chợ.
“Sở Công thương cam kết những lần hội chợ tới kiên quyết không cho phép bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt nghiêm cấm bày bán các loại hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc không đảm bảo chất lượng, vệ sinh thực phẩm, nhập lậu, hàng giả. Đồng thời sẽ làm việc với đơn vị liên quan chấn chỉnh tình trạng trông giữ xe; xem xét lại việc kết hợp tổ chức ca nhạc vào hội chợ một cách hợp lý, để hội chợ đạt được mục đích đề ra”. Giám đốc Sở Công thương TRẦN PHƯỚC HIỀN |
Giữ xe giá cao
Hoạt động trông giữ xe là một phần không thể tách rời với mỗi hội chợ. Đây tuy không phải là hoạt động chính, nhưng nguồn thu mang về cho đối tượng kinh doanh dịch vụ này lại không nhỏ.
Vừa quá đông khách, vừa trông giữ xe với giá “trên trời” đã tạo khoản doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng cho mỗi lần hội chợ như Hội chợ thương mại ẩm thực 2017 diễn ra hồi tháng 6.2017. Khi ấy giá trông giữ xe có lúc cao điểm lên đến 30.000 đồng/lượt; lúc bình thường 10.000 đồng/lượt.
Tại Hội chợ triển lãm công thương Duyên hải miền Trung vừa kết thúc, hoạt động trông giữ xe được ban tổ chức chấn chỉnh, gửi văn bản đến đơn vị liên quan, yêu cầu “giá trông giữ xe theo đúng quy định” (từ 1.000 - 2.000 đồng/lượt), nhưng thực tế cũng chẳng có chuyển biến. Vẫn tình trạng chăng dây chằng chịt, bít hết lối đi; người trông giữ xe xuống lòng lề đường để chèo kéo khách và giá thì vẫn 10.000 đồng/lượt vào ban đêm; 5.000 đồng/lượt vào ban ngày.
"Đi hội chợ... xem ca nhạc”
Hầu hết các hội chợ, từ quy mô nhỏ đến lớn vào mỗi tối đều có ca nhạc với tên gọi rất hoành tráng “đại nhạc hội”, “ca nhạc đỉnh cao”... Nhiều hội chợ chuyên ngành mang tính chất khu vực, được bảo trợ của ngân sách cho việc tổ chức hoạt động hội chợ, nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu đến người dân vẫn... có ca nhạc.
Cái được của hoạt động lồng ghép ca nhạc này là thu hút khá đông người dân đến với hội chợ vào mỗi đêm. Nhưng điều này cũng khiến cho hoạt động chính của hội chợ bị mờ nhạt.
Người dân có nhu cầu tham quan, mua sắm hàng hóa tại hội chợ thì không đạt được mục đích, vì quá đông người, chen lấn, xô đẩy, ngột ngạt, nhất là vào những nơi có “ngôi sao ca nhạc” biểu diễn. Hoạt động hội chợ đi kèm ca nhạc lặp lại nhiều lần, khiến không ít người ở Quảng Ngãi đã hình thành một nhận thức: “Đi hội chợ... xem ca nhạc”.
Vì có ca nhạc, nên việc vào cổng hội chợ buộc người dân đến tham quan, mua sắm phải... mua vé! Giá vé cao hay thấp phụ thuộc vào tính toán của đơn vị đăng cai hội chợ, không có sự quản lý của cơ quan chức năng, dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/vé/lượt. Và người đến hội chợ dù không có nhu cầu xem ca nhạc, vẫn phải mua vé vào cổng!
Bài, ảnh: THANH NHỊ