(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn từ ngân sách giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Ngãi đã triển khai giao vốn chi tiết cho các sở, ngành, địa phương. Việc chủ động và sớm giao vốn kế hoạch của tỉnh nhằm tránh sự dàn trải, né nợ đọng, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bám sát nguyên tắc phân bổ
Giai đoạn 2016- 2020, Trung ương phân bổ vốn đầu tư công cho Quảng Ngãi là 2.852.460 triệu đồng; bao gồm vốn ngân sách hỗ trợ người có công; vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội; phát triển thủy sản và lâm nghiệp bền vững; tái cơ cấu nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; đầu tư hạ tầng KKT ven biển, cửa khẩu, KCN, cụm CN, khu công nghệ cao, khu ứng dụng công nghệ cao; phát triển hạ tầng du lịch; quốc phòng - an ninh địa bàn trọng điểm; Chương trình Biển Đông hải đảo.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, việc bố trí nguồn vốn đầu tư Trung ương tại Quảng Ngãi đã đảm bảo các nguyên tắc: Phân bổ vốn phục vụ thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011- 2020; Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020 của địa phương; bố trí vốn đầu tư tập trung để khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn; ưu tiên bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; thu hồi các khoản ứng trước, sau khi bố trí đủ vốn theo thứ tự ưu tiên, vốn còn lại sẽ bố trí cho các dự án khởi công mới...
Đối với nguồn vốn nước ngoài, UBND tỉnh tính toán, cân đối giữa nhu cầu vay và khả năng trả nợ của các dự án đã triển khai và các dự án mới. Đồng thời, có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, cần thiết, cấp bách, các chương trình mục tiêu, làm cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Tránh dàn trải, né nợ đọng
Kế hoạch giao vốn giai đoạn 2016-2020 từ nguồn Trung ương của UBND tỉnh cho thấy, quyết tâm của tỉnh trong việc “tránh đầu tư dàn trải, né nợ đọng”.
Ưu tiên bố trí vốn phát triển hạ tầng giao thông vùng khó khăn thuộc huyện nghèo của tỉnh. |
Theo đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh tập trung phân bổ vốn thực hiện 31 dự án trọng điểm, dự án lớn chuyển tiếp từ những năm trước sang. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn thuộc chương trình phát triển kinh tế- xã hội cho đường giao thông cấp thiết ở vùng khó khăn, vùng biển đảo.
Đơn cử, Dự án giao thông Ba Bích - Ba Nam và Ba Trang - Ba Khâm (Ba Tơ), tỉnh bố trí đủ vốn để đảm bảo công trình hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. “Đây là hai tuyến đường người dân mong mỏi sớm hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế, giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất của cả vùng. Được tỉnh quan tâm bố trí vốn đảm bảo tiến độ thi công, địa phương rất mừng”, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Tơ Thành Minh Thuận cho biết.
Đối với Chương trình phát triển hạ tầng du lịch, nhiều năm nay các dự án phải dừng do thiếu kinh phí, thì từ nay đến năm 2020, tỉnh ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển “ngành công nghiệp không khói”.
Theo đó, tỉnh không đầu tư dàn trải mà tập trung vào 2 dự án lớn là đường trục chính khu du lịch Sa Huỳnh (nối dài), tổng vốn gần 17.000 triệu đồng và Dự án hạ tầng khu du lịch Mỹ Khê vừa phê duyệt đầu năm 2017, tổng vốn hơn 47.000 triệu đồng.
Ngoài ra, trong kế hoạch giao vốn, tỉnh bố trí trả nợ xây dựng cơ bản với tổng số tiền 48.250 triệu đồng cho hai dự án lớn đã hoàn thành là Dự án vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2) và Chương trình Biển Đông hải đảo.
Bài, ảnh: Thanh Huyền