Cần cơ chế gia hạn nợ cho tàu vỏ thép

05:08, 10/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, ân hạn, gia hạn nợ cho các chủ tàu vỏ thép gặp trục trặc. Cơ chế, chính sách này được thực thi sẽ giúp cho ngư dân sở hữu tàu vỏ thép vượt qua khó khăn, tiếp tục an tâm vươn khơi bám biển.

TIN LIÊN QUAN

Gần hai năm đi vào hoạt động, chiếc tàu vỏ thép QNg 90999 TS của ông Võ Văn Hân, xã Bình Châu (Bình Sơn) đã không ít lần gặp sự cố. Đặc biệt năm 2016, trong 8 chuyến ra khơi thì đã gặp sự cố 7 lần, khiến ông bị thiệt hại nhiều.

Tàu vỏ thép đã góp phần hiện đại hóa đội tàu của cả nước.
Tàu vỏ thép đã góp phần hiện đại hóa đội tàu của cả nước.

Đến năm 2017, tàu ông tiếp tục bị trục trặc, đặc biệt trong chuyến ra khơi vào ngày 13.7 ông liên tục đối mặt với 3 cơn bão, nên không thể đánh bắt được. Bão tan, ông cùng bạn tàu mới đánh bắt được chừng hai ngày thì bị tàu Trung Quốc tấn công, đã lấy đi nhiều đồ đạc trên tàu và 1 tấn cá vừa mới đánh bắt được, thiệt hại trên 250 triệu đồng.
 

Sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 67,  tính đến ngày 15.7.2017, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn Quảng Ngãi đã ký hợp đồng tín dụng cho vay đối với 41 tàu cá, cam kết cho vay trên 330 tỷ đồng, đã giải ngân gần 267 tỷ đồng, dư nợ trên 260 tỷ đồng. Trong đó, có 4 khách hàng có nợ quá hạn, với số tiền trên 52,3 tỷ đồng, chiếm trên 20% dư nợ cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67. Đặc biệt, đã có 3 khách hàng chuyển sang nợ nhóm 4, với số dư nợ gần 38,7 tỷ đồng và 1 khách hàng nợ nhóm 2 với dư nợ 13,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sau một năm đánh bắt, lớp sơn tàu bị bong tróc, gỉ sắt nên ông Hân tiến hành tu sửa, cho sơn lại tàu, nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy tiền hỗ trợ. Ông Hân bày tỏ: “Tôi thấy trong Nghị định 67 có quy định theo các mức thời gian từ 1 – 3 năm, các chủ tàu vỏ thép có thể tiến hành tiểu tu, trung tu và đại tu cho con tàu, nếu bị hư hỏng trong quá trình đánh bắt. Tuy nhiên, sau khi tiểu tu lại con tàu gần 200 triệu đồng, tôi đã gửi đơn lên Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn thì họ bảo phải gửi lên UBND tỉnh và đợi, nhưng nay đã hơn 3 tháng rồi mà chưa thấy hồi âm.

Trước những khó khăn trên, Vietcombank Quảng Ngãi đã chấp thuận gia hạn thời gian trả nợ cho ông Hân từ 11 năm lên 15 năm. Việc gia hạn thời gian trả nợ này đã tạo điều kiện cho ngư dân kéo dài thời gian trả nợ, giảm áp lực khi phải dồn trả cả nợ gốc lẫn tiền lãi trong thời gian ngắn, giúp ngư dân an tâm vươn khơi đánh bắt.

Tuy nhiên, theo ông Hân, thời gian qua việc đánh bắt của tàu ông gặp khó khăn, trong khi mùa mưa bão đang đến nên sẽ gặp khó trong việc trả nợ cho ngân hàng theo thỏa thuận ban đầu. “Ngân hàng đã tạo điều kiện cho tôi nhưng tôi mong ngân hàng sẽ xem xét, giải quyết cho tôi tiếp tục trả nợ 50 triệu đồng/quý ở năm thứ 3 và 100 triệu/quý bắt đầu từ năm thứ 4 thay vì năm thứ 3 như đã cam kết”, ông Hân nói.

Không riêng gì ông Hân mà với các tàu vỏ thép gặp trục trặc trong cả nước thì cơ chế về ân hạn, gia hạn nợ của Chính phủ sẽ là một “chiếc phao cứu sinh”, giúp ngư dân vững tin hơn trong hành trình bám biển. Vì vậy, hơn bao giờ hết, các chủ tàu vỏ thép đã và đang gặp trục trặc trong tỉnh rất mong muốn các ngân hàng xem xét, để sớm ân hạn, gia hạn nợ cho họ. Tuy nhiên, về lâu dài và tính bền vững thì việc khắc phục các hư hỏng của tàu vỏ thép là vô cùng quan trọng. Bởi tàu có tốt thì đánh bắt mới hiệu quả, giảm chi phí về gánh nặng sửa chữa cũng như thời gian nằm bờ của các con tàu được cho là hiện đại.


Bài, ảnh: H.HOA



 


.