(Báo Quảng Ngãi)- Theo chuẩn nghèo đa chiều, hộ nghèo ở các xã đồng bằng chủ yếu là hộ già yếu, neo đơn. Trong khi đó, muốn đạt được tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM), bắt buộc phải giảm tiêu chí hộ nghèo. Tuy nhiên, để giảm được tỷ lệ hộ nghèo theo đúng chuẩn vẫn đang là bài toán khó ở nhiều địa phương.
Hộ nghèo thuộc đối tượng già yếu
Đến thời điểm này, xã Bình Đông (Bình Sơn) mới đạt 11/19 tiêu chí, trong đó, chủ yếu là các tiêu chí được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí như điện, đường, y tế, an ninh chính trị... Để hoàn thành các tiêu chí còn lại, hiện xã đang gặp nhiều khó khăn, trong đó nan giải nhất là các tiêu chí về hộ nghèo, việc làm, nâng cao thu nhập người dân.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện các mô hình kinh tế mới để tăng thu nhập. |
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông Nguyễn Văn Thanh, cho rằng: “Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 5% cần có thời gian, chứ không thể làm trong ngày một ngày hai. Thu nhập bình quân đầu người của Bình Đông mới chỉ đạt 23 triệu đồng/năm. Hiện chúng tôi còn 399 hộ nghèo, chiếm trên 12%. Với các hộ nghèo trong độ tuổi lao động còn có giải pháp, chứ các hộ nghèo trong diện ngoài độ tuổi lao động thì không thể...”.
Không riêng gì Bình Đông, mà hiện nay trên địa bàn tỉnh, số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao vẫn còn rất nhiều, nhất là các xã miền núi và bãi ngang ven biển. Để tăng mức thu nhập, nâng cao đời sống người dân, thời gian qua, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế mới... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những giải pháp này chỉ dừng lại ở việc giúp một bộ phận người dân có thêm nguồn thu nhập, để cải thiện phần nào cuộc sống khó khăn, chứ chưa thực sự nâng mức thu nhập lên theo đúng tiêu chuẩn.
Không chỉ loay hoay với bài toán về giảm nghèo, các tiêu chí về thu nhập và việc làm cũng là những cái khó đối với nhiều địa phương. “Cái khó nhất để thực hiện tiêu chí thu nhập là cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là nông - ngư nghiệp. Tuy nhiên, số hộ tập trung trồng một số cây đem lại hiệu quả kinh tế cao như hành, hồ tiêu chiếm tỷ lệ nhỏ, còn đa phần đi làm thuê. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều hạn chế, nên để kéo giãn lao động nông thôn ra khỏi sản xuất nông nghiệp không phải là chuyện một sớm một chiều”, lãnh đạo UBND xã Bình Hải (Bình Sơn) cho biết.
Quan tâm phát triển kinh tế
Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là mục tiêu lớn nhất và có tính bền vững trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các địa phương vẫn ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật hơn là đầu tư cho phát triển kinh tế.
Ngoài những khó khăn mang tính đặc thù, hầu hết các địa phương còn chưa quan tâm nhiều đến nhóm tiêu chí kinh tế. Điểm qua một số đề án xây dựng NTM của các địa phương, kinh phí dành cho xây dựng hạ tầng chiếm phần lớn nguồn lực xây dựng NTM. Trong khi đó, đầu tư phát triển kinh tế với con số rất khiêm tốn.
Thiết nghĩ, để thực hiện tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM, cùng với việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp với chuẩn nghèo đa chiều mới, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong triển khai các biện pháp huy động nguồn lực đầu tư về hạ tầng, khoa học - kỹ thuật, giống, vốn phát triển sản xuất... Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ nghèo bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, góp phần đảm bảo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: HỒNG HOA