(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, bên cạnh đầu tư phát triển nông- lâm nghiệp, huyện Trà Bồng còn hướng đến phát triển ngành công nghiệp (CN), nhằm tạo sự bứt phá cho kinh tế huyện. Tuy nhiên, sau nhiều năm ngành CN ở Trà Bồng vẫn "dậm chân tại chỗ", khi hoạt động sản xuất chỉ xoay quanh chế biến gỗ dăm, quế...
TIN LIÊN QUAN
Luẩn quẩn với quế, keo
Phát triển công nghiệp là một trong những mục tiêu mà huyện Trà Bồng đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030, sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân. Thế nhưng, đến nay Trà Bồng vẫn đang loay hoay tìm hướng đi cho mình. Ngoài hai công trình thủy điện Cà Đú, Hà Nang, thu hút đầu tư vào CN huyện chỉ xoay quanh với cây quế, cây keo, với sự hiện diện của Nhà máy chế biến dăm gỗ Nhất Hưng và các cơ sở sản xuất nhang, quế.
Nhà máy chế biến tinh dầu quế Trà Bồng được đầu tư với trang thiết bị rất hiện đại, nhưng hoạt động không hiệu quả. |
Một trong những việc mà Trà Bồng đang thực hiện để thu hút đầu tư vào công nghiệp, đó là quy hoạch và thành lập Cụm CN thị trấn Trà Xuân (năm 2015) và đang hướng đến thành lập Cụm CN Thạch Bích. Lợi thế của Trà Bồng rất rõ rệt khi có Quốc lộ 24C chạy qua, nối với tỉnh Quảng Nam và KKT Dung Quất. Tuy nhiên, đến nay phát triển CN ở huyện miền núi này vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, đóng góp của ngành CN vào tổng giá trị sản xuất của huyện Trà Bồng khoảng 60,4/372 tỷ đồng.
Điểm sáng... sắp tắt
Dự án Nhà máy chế biến tinh dầu quế Trà Bồng với tổng vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng, hoạt động vào tháng 5.2015. Theo thiết kế, mỗi năm nhà máy có thể thu mua tối đa 10 nghìn tấn lá, cành quế và có công suất 80 tấn thành phẩm/năm. Quy trình sản xuất rất hiện đại khi lá và cành được tách chiết tinh dầu xong, thì chất thải sẽ được chế biến thành phân bón hữu cơ vi sinh và một phần làm bột hương. Riêng sản phẩm tinh dầu quế được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ...
Những tưởng nhà máy này sẽ là cú huých giúp ngành CN huyện phát triển, cũng như trở thành cầu nối để các doanh nghiệp khác tìm đến đầu tư, kích cầu cây quế truyền thống, tạo việc làm cho các hộ dân của 7 xã vùng cao. Tuy nhiên, nhà máy này đang thoi thóp chờ ngày... khai tử. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc cho biết, Nhà máy tinh dầu quế Trà Bồng đang được Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản của Sở Tư pháp kiểm kê tài sản và tiến hành bán đấu giá.
Việc nhà máy chế biến tinh dầu quế ra đời “đánh” trúng vào kỳ vọng của người dân và chính quyền sở tại. Bởi lâu nay, ngoài trồng quế để lấy vỏ thì các thành phần khác của cây quế như cành nhỏ, lá người dân không biết làm gì ngoài... đốt. Thế nhưng, dù là sản phẩm bỏ đi, nhưng khi được doanh nghiệp thu mua với giá 3.000 đồng/kg thì người dân lại “chê” giá thấp và không bán sản phẩm cho nhà máy. Chính việc người dân “quay lưng” là nguyên nhân dẫn đến nhà máy chế biến tinh dầu quế không có nguyên liệu để sản xuất, hoạt động cầm chừng rồi ngừng hẳn từ đầu năm 2017 đến nay.
Lý giải nguyên nhân thất bại trong việc thu hút đầu tư vào CN, một lãnh đạo huyện Trà Bồng cho rằng, huyện chỉ tạo điều kiện về mặt bằng, giảm các khoản thu thuế những năm đầu cho doanh nghiệp, còn việc sản xuất kinh doanh thế nào là do doanh nghiệp thực hiện và họ thỏa thuận với người dân trong thu mua nguyên liệu thô, nên chuyện không có nguyên liệu để sản xuất huyện khó can thiệp được. Đối với các dự án khác, thời gian qua huyện cũng tổ chức xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng và lợi thế của địa phương đến các nhà đầu tư, nhưng thật sự rất khó thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đức Hoài cho rằng, việc nhà máy chế biến tinh dầu quế ngừng hoạt động, trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp, mà còn có trách nhiệm của huyện. Để phát triển CN, huyện Trà Bồng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và có chiến lược cụ thể về thu hút đầu tư, cũng như hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC