Cần tìm hướng đi bền vững cho cây quế

09:03, 29/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời vàng son, cây quế đã mang lại nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ dân huyện Trà Bồng. Để giúp người dân nâng cao thu nhập và giữ cây trồng bản địa, huyện Trà Bồng có kế hoạch phát triển vùng chuyên canh quế với diện tích lên đến 2.000ha.

TIN LIÊN QUAN

Phát triển vùng chuyên canh quế

Trà Bồng đang vào vụ thu hoạch quế đầu tiên trong năm. Dù không bằng thời vàng son, với giá trên 100.000 đồng/kg quế tươi, nhưng hiện nay với giá 25.000 đồng/kg quế tươi và 45.000 đồng/kg quế khô, người trồng quế vẫn có lãi. Ông Hồ Văn Luận, xã Trà Hiệp bộc bạch: “So với ba năm trước, giá quế đã ổn định hơn. Với diện tích hơn 2ha, vụ quế này tôi thu được gần 20 triệu đồng”.

So với 3 năm trước, giá quế hiện nay đã ổn định hơn, đem lại thu nhập khá cho người trồng.
So với 3 năm trước, giá quế hiện nay đã ổn định hơn, đem lại thu nhập khá cho người trồng.


Theo ông Luận, hiện nay bà con có nhu cầu trồng quế nhiều, nhưng giống quế địa phương tới ba năm mới ra trái một lần, nên không có thu liên tục, còn giống quế phía bắc thì không mấy người thích trồng. Vì vậy, nhiều người mong mỏi Nhà nước xây dựng vùng chuyên canh cây quế để bà con tham gia.

Trà Hiệp là một trong những xã có diện tích quế khá lớn, với trên 200ha. Những năm qua, xã luôn khuyến khích bà con giữ cây trồng truyền thống này. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trà Hiệp Nguyễn Hồng Trà, hiện nay xã đang quy hoạch để đến năm 2020 có thể phát triển diện tích quế lên trên 500ha. “Quế là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, nên hằng năm tận dụng từ các nguồn như 30a và 135, địa phương đã hỗ trợ giống quế cho bà con. Vừa rồi, xã cũng đăng ký với huyện mở rộng thêm 300ha quế và thời gian đến sẽ triển khai”, ông Trà cho biết.

Huyện Trà Bồng hiện có gần 1.400ha quế. Để khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng diện tích quế, mới đây, Trà Bồng đã xây dựng “Dự án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế”. Theo đó, từ nay đến năm 2020 huyện sẽ phát triển thêm 1.700ha, hằng năm cung ứng ra thị trường hơn 3.100 tấn vỏ quế và 4.200 tấn cành, lá. Dự án sẽ triển khai tại 7 xã, với 324 hộ dân và 4 nhóm cộng đồng dân cư tham gia.
     
Bài toán đầu ra?

Những năm gần đây, cây keo đã trở thành cây kinh tế chủ lực của người dân miền núi. Nhờ keo mà nhiều hộ đã thoát nghèo và có cuộc sống ngày một khấm khá. Trong khi đó, thời gian thu hoạch của cây keo ngắn hơn quế và đầu ra cũng ổn định. Vì vậy, thời gian qua, số hộ dân ở Trà Bồng phá bỏ cây quế để trồng keo. Chính vì điều này, huyện Trà Bồng đã triển khai “Dự án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế”. Trong đó, chú trọng đến việc trồng và bảo tồn giống quế bản địa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương cho biết, mới đây UBND tỉnh đã có chủ trương cho Trà Bồng đầu tư vùng chuyên canh quế. Một khi xây dựng vùng chuyên canh thì những người dân tham gia trồng quế sẽ được hỗ trợ về cây giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, nên việc mở rộng vùng chuyên canh sẽ hiệu quả.

Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề đầu ra cho cây quế khi mở rộng diện tích, thì ông Sương băn khoăn: “Việc tìm đầu ra cho cây quế về lâu dài vẫn là một bài toán khó đối với huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có ba công ty chuyên thu mua toàn bộ sản lượng quế của người dân địa phương. Mấy năm trước, huyện cũng đã có ý tưởng xin UBND tỉnh đi tìm đầu ra cho cây quế. UBND tỉnh cũng đã giao Sở Công thương giúp huyện tìm đầu ra cho cây quế, nhưng vẫn chưa thực hiện được”.

Việc đầu tư mở rộng diện tích quế là cần thiết, nhằm giúp cho người dân vừa giữ được cây trồng truyền thống, vừa nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, khi phát triển vùng quế chuyên canh với diện tích lớn, huyện cũng cần tính toán kỹ đến đầu ra lâu dài cho cây quế. Bởi nếu không có đầu ra bền vững, khi quế đến kỳ thu hoạch không có người mua, người dân sẽ lại phá bỏ để trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.