(Báo Quảng Ngãi)- Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ “về một số chính sách phát triển thủy sản” (nay là Nghị định 89) trên địa bàn Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư đóng mới 81 chiếc tàu cá (27 tàu vỏ thép, 47 tàu vỏ gỗ, 7 tàu composite), trong đó có 46 tàu cá đã ký hợp đồng tín dụng, triển khai đóng mới. Đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác 37 chiếc (9 tàu vỏ thép, 28 tàu khai thác vỏ gỗ) và đang thi công 9 chiếc. Các chi nhánh ngân hàng thương mại sau khi ký hợp đồng tín dụng đã giải ngân được 41 chiếc, với số tiền trên 260 tỷ đồng...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 tại Quảng Ngãi đã bộc lộ nhiều vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chính sách ưu đãi này.
Vướng với chính sách tín dụng, bảo hiểm
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67-CP, các chi nhánh ngân hàng thương mại tại Quảng Ngãi còn để thời gian nghiên cứu, xem xét ký hợp đồng tín dụng cho từng chủ tàu quá lâu, nhất là đối với tàu vỏ thép. Thậm chí một số chi nhánh ngân hàng thương mại đang chờ các tàu vỏ thép đã hoàn thành hoạt động có hiệu quả mới mạnh dạn triển khai tín dụng với các chủ tàu mới, gây bức xúc cho chủ tàu. Bên cạnh đó, công tác bảo hành của các cơ sở đóng tàu vỏ thép không kịp thời, gây thiệt thòi cho chủ tàu và các ngân hàng thương mại...
Tàu vỏ thép của huyện Lý Sơn đóng mới theo Nghị định 67 đã được bàn giao và đưa vào hoạt động có hiệu quả. |
Trong phương án trả nợ của một số chủ tàu, ngoài nguồn thu nhập từ khai thác hải sản còn được cơ cấu trả nợ từ nguồn hoàn thuế giá trị gia tăng và nguồn từ chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân tham gia khai thác, nuôi trồng hải sản tại các vùng biển xa của Nhà nước. Nhưng hiện nay, một số chủ tàu đã đến hạn trả nợ mà việc hoàn thuế giá trị gia tăng không được thực hiện. Một số chủ tàu không thực hiện trả nợ như đã thống nhất trong hồ sơ tín dụng, nên các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong thu nợ. Nếu kéo dài tình trạng này, khoản vay của chủ tàu sẽ bị chuyển sang nợ xấu và không được hưởng hỗ trợ lãi suất của Nhà nước.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, các chủ tàu vỏ thép ở Quảng Ngãi chưa có điều kiện để trả nợ tiền vay, vì hiệu quả kinh tế chưa cao. Hầu hết các chủ tàu vỏ thép đều mong muốn các ngân hàng thương mại điều chỉnh thời gian cho vay là 16 năm (trong đó có ân hạn 1 năm đầu) và cơ cấu lại việc trả nợ theo hướng tăng dần vào các năm sau, vì không thể trả nợ bình quân hằng năm trong 15 năm trả nợ vốn vay như quy định trước đây.
Đối với chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67, Công ty Bảo Minh Quảng Ngãi là đơn vị được giao thực hiện. Từ đầu chương trình đến cuối năm 2016, công ty này đã thực hiện bảo hiểm tàu cá trên 105,7 tỷ đồng, trong đó phần ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 93 tỷ đồng đã hỗ trợ xong.
Nhưng kể từ ngày 1.1.2017 đến nay, Công ty Bảo Minh Quảng Ngãi đã tạm dừng thực hiện chính sách bảo hiểm tàu cá, vì đang chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính. Do vậy, từ đầu năm 2017 đến nay, chủ tàu đã phải tự chọn đơn vị bảo hiểm để mua bảo hiểm tàu cá và không được Nhà nước hỗ trợ. Mặc dù UBND tỉnh đã có công văn về việc tiếp tục thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ (Công văn số 2282, ngày 20.4.2017), nhưng Công ty Bảo Minh Quảng Ngãi vẫn trong tình trạng “đang chờ” chỉ đạo của Tổng Công ty. Việc Công ty Bảo Minh chậm chi trả tiền bồi thường cho một số chủ tàu bị tai nạn đã mua bảo hiểm tàu cá tại công ty đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của chủ tàu.
Đôi điều kiến nghị
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện một số chính sách phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi vào đầu tháng 6.2017, các thành viên Ban Chỉ đạo đã có kiến nghị đối với các cấp, ngành, đơn vị hữu quan để khắc phục những vướng mắc nói trên. Trong đó, đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn kịp thời đối với chính sách bảo hiểm kể từ ngày 1.1.2017 để đơn vị bảo hiểm triển khai thực hiện, đảm bảo quyền lợi của chủ tàu và ngân hàng thương mại. Đối với Công ty Bảo Minh, cần phải chi trả bồi thường thiệt hại đối với tàu cá đúng quy định, đúng hợp đồng đã ký, rút ngắn thời gian xử lý tai nạn, đảm bảo quyền lợi của chủ tàu.
Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, điều chỉnh các điều kiện vay vốn cho phù hợp với quy định của Nghị định 67. Công khai, đơn giản thủ tục cho vay, phối hợp tốt với các địa phương trong thẩm tra hồ sơ đăng ký ban đầu và tích cực hỗ trợ chủ tàu làm thủ tục vay vốn; đồng thời cần xem xét, điều chỉnh tiến độ giải ngân hợp lý, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ đóng tàu. Các ngân hàng thương mại cần xem xét cơ cấu lại việc trả nợ đối với các chủ tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới theo hướng tăng dần vào các năm sau để chủ tàu có điều kiện trả nợ. Riêng đối với các chủ tàu, phải thực hiện việc trả nợ đúng cam kết, hạn chế việc phát sinh nợ xấu, gây thiệt hại cho các ngân hàng thương mại và chủ tàu...
Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM