(Báo Quảng Ngãi)- Tàu vỏ thép trục trặc, hiệu quả khai thác hải sản sụt giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của ngư dân. Vì vậy, bên cạnh việc "tự cứu mình", ngư dân mong mỏi các cấp, các ngành quan tâm tiếp sức, để sớm vượt qua khó khăn, vươn khơi bám biển, ổn định cuộc sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dù đã khắc phục những sự cố liên quan đến hầm bảo quản sản phẩm và hộp số, nhưng với khoản chi phí sửa chữa gần 180 triệu đồng, cộng với thời gian nằm bờ dài khiến ngư dân Nguyễn Thanh Hồng, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) gặp rất nhiều khó khăn. Để có chi phí cho phiên biển vừa rồi, ông Hồng đã chật vật vay nóng các đầu nậu.
“Nợ ngân hàng, giờ thêm khoản nợ “nóng” này nữa, nên chủ tàu và anh em đi bạn vươn khơi trong tâm trạng nặng nề. Nhỡ lỗ tổn lần nữa là mất cơ hội vươn khơi”, ông Hồng trải lòng trước khi rời cảng Tịnh Hòa vươn khơi cùng chiếc tàu vỏ thép trị giá gần 17 tỷ đồng.
Tàu trục trặc phải nằm bờ khiến ngư dân Trương Văn Chín, xã Phổ Quang (Đức Phổ) gặp rất nhiều khó khăn. |
Trong khi đó, ngư dân Võ Văn Hân, xã Bình Châu (Bình Sơn) cũng chật vật sửa chữa những sự cố, lỗi kỹ thuật của chiếc tàu vỏ thép công suất 811CV để sớm vươn khơi, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, với khoản nợ gần 1 tỷ đồng sau hơn một năm vận hành, sử dụng tàu vỏ thép, ông Hân gần như đã đuối sức. “Tôi đã gắng không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng quả thật, tôi đã sức cùng lực kiệt. Chỉ trong thời gian ngắn, nhưng xảy ra quá nhiều rủi ro, cộng với tàu trục trặc khiến tôi không gượng nổi”, ông Hân khắc khoải.
Để chia sẻ khó khăn với ngư dân, khi tiếp nhận thông tin các tàu vỏ thép bị trục trặc kỹ thuật, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương, chủ tàu yêu cầu các đơn vị đóng tàu khắc phục những sự cố kỹ thuật. Nếu những thiết bị không sửa chữa được thì phải thay mới.
Đến thời điểm này, các sự cố đã được khắc phục, tàu trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, những khoản kinh phí phát sinh trong quá trình khắc phục, sửa chữa thì ngư dân phải đợi các công ty bảo hiểm thẩm định và chi trả. Tuy nhiên, thời gian giải quyết của phía đơn vị bảo hiểm quá lâu, như ngư dân Nguyễn Thanh Hồng đã gần 3 tháng vẫn chưa được hoàn trả lại tiền, khiến ông gặp rất nhiều khó khăn.
Liên quan đến hiệu quả khai thác của tàu vỏ thép, có ý kiến cho rằng, ngoài những trục trặc của tàu thì nguyên nhân là do thuyền trưởng chưa có kinh nghiệm vận hành tàu vỏ thép. Nhưng theo ngư dân Võ Văn Hân, trước khi nhận bàn giao chiếc tàu vỏ thép công suất 811CV, ông đã tự tìm hiểu và được đơn vị đóng tàu tập huấn kỹ thuật nên việc vận hành tàu cũng như cách sử dụng các công nghệ trên tàu tương đối thuần thục.
“Tuy nhiên, quá trình vận hành tàu vỏ thép phát sinh nhiều vấn đề ngoài dự đoán, nên nhiều lúc chúng tôi cũng bị động trong xử lý”, ông Hân cho biết. Đơn cử như sự cố ở hầm bảo quản. Nếu như tàu vỏ gỗ, ngư dân có thể tự khắc phục tạm thời, hoặc nếu có sửa chữa thì chi phí cũng không cao, nhưng với tàu vỏ thép thì khi hầm bảo quản trục trặc, ngư dân lúng túng, phải mang tàu vào tỉnh Khánh Hòa hoặc TP. Hồ Chí Minh để khắc phục với chi phí khá lớn, lại mất thời gian.
Khắc phục tình trạng này, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các cơ sở triển khai đào tạo, tập huấn kỹ thuật vận hành tàu, công nghệ bảo quản sản phẩm mới... nếu ngư dân có nhu cầu. Bên cạnh đó, ngư dân cũng mong muốn các ngành chức năng tiếp sức thông qua việc hỗ trợ mua bảo hiểm, khoanh nợ, gia hạn nợ... để vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển.
Bài, ảnh: MỸ HOA