(Báo Quảng Ngãi)- Cổ phần hóa (CPH) Công ty BSR và nâng cấp, mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất là con đường tất yếu đối với sự phát triển của Công ty BSR trong những năm đến.
Hôm qua (ngày 5.6), NMLD Dung Quất đã tiến hành dừng sản xuất để thực hiện đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 trong vòng 52 ngày. Theo đó có 7 gói thầu chính với hơn 6.000 đầu mục công việc được triển khai thực hiện. Trừ thời gian dừng, khởi động Nhà máy, BDTT lần 3 có 38 ngày tập trung bảo dưỡng, trong đó phức tạp nhất là 2 gói thầu các phân xưởng công nghệ chính của Nhà máy (gồm gói thầu số 1 là phân xưởng RFCC và gói thầu số 2 gồm các phân xưởng U16/17/21 và NHT, CCR, ISOM, CDU, KTU, LTU, NTU, PRU). Ba nhà thầu nước ngoài trúng thầu đến từ Singapore, Malaysia và Hàn Quốc đều là những nhà thầu có kinh nghiệm bảo dưỡng các NMLD trên thế giới và đã tham gia thực hiện các lần bảo dưỡng trước. |
Hiện nay, Công ty BSR đang đẩy mạnh công tác NCMR nhà máy từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, tăng 30% công suất. Sau khi NCMR nhà máy, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn và đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường Euro 5 của Chính phủ.
Tự tin cổ phần hóa
Ngày 31.5.2017, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 1938, xác định giá trị Công ty BSR để cổ phần hóa. Theo đó, giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm ngày 31.12.2015 là gần 72.880 tỷ đồng (khoảng 3,2 tỷ USD), trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hơn 44.934 tỷ đồng.
Việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ để Công ty BSR thực hiện các công việc tiếp theo để CPH theo chủ trương của Chính phủ, quy định tại Nghị định 59 và Nghị định 189.
Tổng Giám đốc Công ty BSR Trần Ngọc Nguyên cho biết, với nền tảng vững chắc từ hoạt động kinh doanh, vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực lọc – hóa dầu cả nước và tình hình thị trường thuận lợi để mở rộng kinh doanh, BSR đang tự tin tiến hành CPH với mục tiêu thu xếp tài chính cho các dự án đầu tư chiến lược có hiệu quả trong tương lai, tăng tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp và tạo giá trị gia tăng cho các cổ đông.
|
Nhà thầu lắp dựng giàn giáo chuẩn bị bảo dưỡng phân xưởng RFCC NMLD Dung Quất. |
Hoạt động đầu tư của BSR trong thời gian tới sẽ tập trung vào lĩnh vực hóa dầu và chế biến sâu, là lĩnh vực có nhiều triển vọng phát triển, đồng thời là mảng sản phẩm sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho hoạt động kinh doanh của Công ty.
Những thành quả ấn tượng
Công ty BSR - đơn vị quản lý, vận hành NMLD Dung Quất nhiều năm qua là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Sản lượng sản xuất luỹ kế của BSR từ khi Nhà máy đi vào hoạt động đến 5 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 47 triệu tấn, với tổng doanh thu gần 40 tỷ USD.
Trong đó, luỹ kế số tiền nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư (3 tỷ USD). Cho dù giá dầu biến động, nhưng BSR vẫn giữ vững hoạt động có hiệu quả với tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu rất cao qua các năm, như năm 2015 là 21% (lợi nhuận sau thuế 6.000 tỷ đồng) và năm 2016 là 14% (lợi nhuận sau thuế 5.000 tỷ đồng), đây là những tín hiệu cực kỳ lạc quan để BSR CPH thành công.
Theo Tổng Giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên, trong thời gian tới, hoạt động kinh doanh của BSR sẽ tiếp tục có nhiều triển vọng từ các cải cách về chính sách trong cơ chế thuế nhập khẩu theo cơ chế thị trường. NMLD Dung Quất sở hữu công nghệ của các nước G7 với đội ngũ kỹ sư đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn và tay nghề cao, giàu kinh nghiệm vận hành.
Hơn nữa, BSR hoạt động tại thị trường có các yếu tố căn bản tốt, nhiều tiềm năng tăng trưởng. Cụ thể, Việt Nam là nước có trữ lượng dầu thô thuộc tốp đầu tại Châu Á - Thái Bình Dương, với trữ lượng 4,4 tỷ thùng dầu dự trữ. Nhu cầu dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 4,8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020, cao hơn mức trung bình toàn cầu 3,5%...
Được biết, Công ty BSR sẽ CPH trong quý IV năm nay và sẽ chào bán khoảng 5 – 6% cổ phần, còn lại chào bán cho các nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược để tiếp tục đầu tư phát triển phân khúc hóa dầu và chế biến sâu, nhằm mang lại hiệu quả cao trong tương lai.
Bài, ảnh: PHẠM DANH