(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn một năm đưa vào khai thác, một số tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị trục trặc, hư hỏng, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả và an toàn trong quá trình bám biển của ngư dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo đại diện Chi cục Thủy sản, Quảng Ngãi hiện có 12/13 chiếc tàu vỏ thép đã hạ thủy. Sau thời gian đưa vào vận hành, khai thác, một số ngư dân phàn nàn các trang thiết bị trên tàu vỏ thép thường xuyên bị trục trặc, hư hỏng.
Tàu trục trặc
Tháng 7.2016, ngư dân Nguyễn Thanh Hồng, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đóng chiếc tàu vỏ thép gần 17 tỷ đồng. Chưa kịp vui vì được sở hữu tàu to, máy lớn, ngay phiên biển đầu tiên, chiếc tàu đã gặp trục trặc. Đầu tiên là hầm bảo quản không đủ độ lạnh, khiến chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo. Đến cuối tháng 3.2017, tàu bị cháy hộp số. Do được lực lượng Hải quân vùng 3 ứng cứu kịp thời, nên mới không có thiệt hại về người. Sau sự cố này, chiếc tàu vỏ thép của ông Hồng phải nằm bờ gần một tháng để sửa chữa, với chi phí trên 180 triệu đồng. “Mới đi được 4 phiên biển mà tàu liên tục có sự cố khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn vì lo phí tổn, rồi anh em đi bạn ngại”, ông Hồng cho biết.
Hầm bảo quản của tàu vỏ thép không đủ độ lạnh khiến ông Trương Văn Chín, xã Phổ Quang (Đức Phổ) tăng chi phí mua đá. |
Trong khi đó, tàu vỏ thép công suất 811CV, tổng mức đầu tư gần 14 tỷ đồng của ngư dân Võ Văn Hân, xã Bình Châu (Bình Sơn) cũng liên tục gặp sự cố ở bộ phận máy lưới kéo. Đặc biệt, phiên biển đầu năm 2017, bộ phận làm mát bị hỏng khiến tàu chết máy, phải nhờ tàu bạn lai dắt vào bờ. Theo ông Hân, mỗi lần tàu trục trặc không chỉ tốn nhiều thời gian và chi phí sửa chữa, mà còn mất luôn cả lao động đi biển. Vì vậy, sau hơn một năm đưa vào khai thác, ông Hân thua lỗ gần 1 tỷ đồng.
Còn ngư dân Trương Văn Chín, xã Phổ Quang (Đức Phổ) cũng lao đao, vì từ đầu năm 2017 chiếc tàu vỏ thép công suất 822CV, tổng đầu tư gần 16 tỷ đồng bắt đầu “dở chứng”. Hết hầm bảo quản sản phẩm đến hệ thống làm mát của tàu bị trục trặc khiến ông Chín và hàng chục lao động suýt gặp nạn. “Từ đầu năm đến nay, tàu ở xưởng sửa chữa nhiều hơn ở biển, khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lao động e ngại, không đi bạn cho tàu vỏ thép”, ông Chín cho biết.
Ngư dân lao đao
Do tàu thường xuyên hư hỏng, hoạt động khai thác kém hiệu quả, nên hiện nay, ông Hồng và ông Chín đang đối mặt với nguy cơ không được hưởng lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67, vì phát sinh nợ quá hạn. Ngư dân Nguyễn Thanh Hồng cho biết, mỗi quý, ông phải trả cho ngân hàng 174 triệu đồng tiền gốc và lãi. Vì không trả nợ đúng hạn nên từ quý I/2017, ông bị xếp nợ quá hạn và chuyển nhóm nợ. “Tôi cũng cố gắng bám biển để trả nợ, nhưng tàu bị cháy hộp số, tốn 180 triệu đồng. Gần hai tháng rồi, đơn vị bảo hiểm vẫn chưa thanh toán, nên tôi cũng không biết phải xoay xở bằng cách nào”, ông Hồng cho biết.
Điều đáng nói, trước khi triển khai đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67, ngư dân đã cho rằng 21 mẫu tàu mà Bộ NN&PTNT ban hành là thiếu thực tế. Một số mẫu không phù hợp với đặc thù ngành nghề khai thác. Hơn nữa, trên địa bàn Quảng Ngãi chưa có các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu vỏ thép, nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Ngư dân Võ Văn Hân cho biết, chiếc tàu vỏ thép của ông do Công ty TNHH Bạch Đằng (TP.Hải Phòng) bàn giao. Quá trình đóng mới, ông cũng không tiếp cận được nhiều vì vật liệu, thiết kế, cách bố trí các trang thiết bị khai thác khác tàu vỏ gỗ. “Khi hạ thủy tàu, tôi cũng boăn khoăn, nhưng nghĩ giá trị con tàu lớn, thiết bị hiện đại thì sẽ hoạt động hiệu quả. Ai ngờ…”, ông Hân bỏ lửng câu nói.
Hiện nay, việc đánh giá chất lượng, thực trạng của tàu vỏ thép do Trung tâm Đăng kiểm Trung ương thực hiện, còn Chi cục Thủy sản chỉ quản lý hành chính. “Tuy nhiên, nếu ngư dân có nhu cầu, đơn vị sẽ hỗ trợ các thủ tục kiểm tra, pháp lý”, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Ngô Văn Hưng cho biết.
Đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67 là điều kiện giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác, yên tâm bám biển. Vì thế, với những gì đã và đang phát sinh, ngư dân rất mong các ngành chức năng sớm rà soát, tháo gỡ.
Bài, ảnh: MỸ HOA