Tăng đàn gia súc, gia cầm: Người chăn nuôi mạo hiểm

08:05, 31/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giá thịt heo, trứng gia cầm vẫn ở mức thấp. Nhưng để đáp ứng thị trường thịt gia súc, trứng gia cầm vào dịp cuối năm, người chăn nuôi rục rịch tăng đàn, dù biết đây là bước đi mạo hiểm.

TIN LIÊN QUAN

Thống kê sơ bộ, cả nước đang tồn 200.000 tấn heo hơi và 1,5 triệu con heo đang chờ “giải cứu”. Tuy vậy, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn chuẩn bị tăng đàn với hy vọng thị trường cuối năm sẽ khả quan.

Giá heo rẻ, nông dân làm “bảy đáp”

Trong chuồng heo của chị Thới Thị Thu Hà, ở thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) lúc nào cũng có khoảng 6 con heo nái và trên 60 con heo thịt. Chị Hà kêu bán, nhưng thương lái trả giá rẻ như bèo, nên đành tự xẻ heo, rồi đem ra chợ xã bán. Chị Hà chia sẻ: “Tự xẻ thịt bán với giá 50.000 đồng/kg hy vọng còn vớt vát chút ít, chứ bán cho thương lái còn lỗ nhiều hơn”.

Không riêng gì chị Hà mà hiện nay, mỗi ngày nhiều hộ nuôi heo đành xẻ thịt một vài con đem ra chợ bán, nhằm giải quyết dần đàn heo, bởi giá heo hơi liên tục hạ, trong khi họ cũng không thể tiếp tục đầu tư vốn để duy trì đàn. Chị Trương Thị Thu Ba, ở xã Tịnh Trà cho biết: “Nuôi heo không giống như các loại hàng hóa khác. Nếu giữ lại quá lâu, người chăn nuôi sẽ chịu thiệt vì heo tăng mỡ, chất lượng thịt giảm, giá giảm, rồi còn tốn thêm chi phí...”.

Người chăn nuôi mạo hiểm tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm để cung ứng cho thị trường cuối năm. ẢNH: MỸ HOA
Người chăn nuôi mạo hiểm tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm để cung ứng cho thị trường cuối năm. ẢNH: MỸ HOA


 Theo tính toán của người chăn nuôi, nuôi một con heo từ lúc tách đàn đến khi xuất chuồng chi phí trên 3 triệu đồng. Nếu bán từ 37.000 đồng/kg heo hơi trở lên, người chăn nuôi mới có lãi. Nhưng hiện nay, giá heo đã xuống dưới 25.000 đồng, thậm chí chưa đến 20.000 đồng/kg, nên trung bình mỗi con heo, người chăn nuôi lỗ hơn 1 triệu đồng.

Không những thế, nhiều hộ chăn nuôi không còn vốn để tiếp tục đầu tư. Đơn cử như trường hợp của ông Đào Ngọc Chinh, ở thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh). Tuy không nuôi nhiều như các trang trại khác, nhưng dựa vào 5 con heo nái, mỗi năm ông cũng kiếm được hàng chục triệu đồng nhờ tiền bán heo con. Vậy mà giờ đây, dù đã nuôi hơn 1 tháng tuổi, nhưng ông Chinh đành ngậm ngùi bắt heo đi cho.

Ông Chinh bảo: “Heo con có trọng lượng từ 6 – 7kg/con, thương lái chỉ trả có 50.000 – 60.000 đồng/con, bảo làm sao mà bán. Thôi thì thà đem cho còn được lời cảm ơn. Riêng mấy con heo nái giống, tôi cũng đã kêu mọi người đến xẻ thịt chia nhau. Tình hình này, sắp tới tôi cũng xả hết heo, rồi tính hướng làm ăn khác, chứ càng nuôi càng lỗ...”.

Lại tăng đàn chờ giá

“Giá heo hơi, trứng gia cầm giảm, nên sau khi bán đổ bán tháo, nhiều người sẽ không tăng đàn. Vì vậy, thời gian tới, thị trường thịt, trứng GSGC sẽ bị thiếu hụt”, anh Bùi Minh Toàn, thôn Nước Y, xã Ba Vinh (Ba Tơ) giải thích lý do đầu tư tăng đàn GSGC của mình.

Dù chủ động nguồn thức ăn và con giống, với gần 30 con nái cung ứng 450-500 heo thịt mỗi năm, nhưng khi giá heo hơi giảm chỉ còn 22.000-25.000 đồng/kg, anh Toàn vẫn bị thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Song, nhớ lại tình hình chăn nuôi heo năm 2012, khi giá heo hơi cũng giảm mạnh về mức 20.000-24.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ “treo chuồng” vì thua lỗ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, thị trường thịt heo bị thiếu hụt nghiêm trọng, những người mạo hiểm tái đàn, tăng đàn đã thắng lớn vụ heo cuối năm. Do vậy, hiện nay anh Toàn vẫn mạnh dạn lọc và duy trì 20 con nái, hơn 100 heo thịt.

Trong khi đó, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng tính chuyện tái đàn, tăng đàn GSGC sau thời gian lao đao vì thua lỗ. Ông Trần Hòa, ở thôn An Chỉ Tây, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) cho rằng, nông dân chăn nuôi theo kiểu lấy công làm lời. Dù biết nuôi heo, nuôi gà bấp bênh, nhưng nếu không làm, nhà nông biết làm gì để cải thiện thu nhập. Còn chuyện giá cả thì phải chấp nhận theo thị trường. Vì thế, dù thua lỗ hàng chục triệu đồng, ông Hòa vẫn không ngần ngại tái đàn.

Được ăn cả, ngã... chờ "giải cứu"?

Trên địa bàn tỉnh, hiện có hàng chục trang trại nuôi heo gia công cho các doanh nghiệp với số lượng từ 1.000-6.000 con/trại/năm. Vì vậy, lượng heo thực tế trong dân rất lớn, nên sẽ rất khó xảy ra tình trạng thiếu hụt. Hơn nữa, vì con heo phụ thuộc quá lớn vào thức ăn chăn nuôi, nên giá heo hơi bán tại chuồng cũng đã xấp xỉ giá thành sản xuất. Đây là lý do khiến giá heo hơi thời gian tới rất khó có cơ hội tăng đột biến như năm 2012. “Người chăn nuôi cần thận trọng, cân nhắc kỹ việc đầu tư tăng đàn, để tránh bị thua lỗ một lần nữa”, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đỗ Văn Chung khuyến cáo.

Trong khi người nuôi heo mạo hiểm tái đàn, tăng đàn thì những hộ chăn nuôi gia cầm lấy trứng cũng khấp khởi kỳ vọng. Hiện nay, giá trứng gia cầm vẫn giảm 500-1.000 đồng/quả và chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhưng, cũng với quan điểm “cuối năm nhu cầu tiêu thụ trứng sẽ tăng mạnh”, nên cùng với mong mỏi cộng đồng xã hội tham gia “giải cứu” trứng, nhiều hộ lại đầu tư tăng đàn gia cầm bố mẹ.

Ông Nguyễn Đức, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) cho biết, 1.000 con vịt đẻ mỗi ngày 700-800 quả trứng. Tuy nhiên, vì giá bán thấp, đầu ra bấp bênh, nên có ngày, thương lái không đến mua, khiến lượng trứng tồn đọng khá lớn. Dù vậy, bên cạnh việc bán tống, bán tháo trứng, ông Đức lại tiết lộ sẽ tăng đàn vịt đẻ, để đón đầu thị trường cuối năm 2017, đầu năm 2018. “Giá trứng giảm, nhiều hộ nản, giải tán đàn gia cầm, nên tôi tin thời gian tới, thị trường sẽ... thiếu trứng! Vì vậy, bên cạnh việc tăng đàn hậu bị, tôi cũng tính thay thế những con vịt già, thưa đẻ, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi”, ông Đức cho biết.

Trong khi các ngành chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp tháo gỡ rốt ráo vấn đề khủng hoảng thừa thịt, trứng GSGC thì, người chăn nuôi tăng đàn, tái đàn thời điểm này là rất mạo hiểm. Nhất là, do chưa được quy hoạch chăn nuôi bài bản, lại thiếu sự định hướng, nên người chăn nuôi phải tự bơi và chấp nhận việc sản xuất theo kiểu “được ăn cả, ngã... chờ "giải cứu”!

M.HOA-H.HOA
 


.