(Báo Quảng Ngãi)- Ngư dân làng chài Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) đang vào mùa khai thác rong mơ. Đây là nghề vất vả, nhưng mỗi ngày, một hộ dân có thể thu nhập hơn một triệu đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chiều tháng 5 nắng gay gắt, nhưng những người phụ nữ ở làng Hải Hòa vẫn quần quật phơi rong mơ trên bãi biển. Ở Hải Hòa, từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm được xem là "mùa hái lộc" của bà con ngư dân. Cả làng 155 hộ dân, thì có gần 100 hộ làm nghề khai thác rong mơ.
Ngư dân Lê Tấn Hùng, vừa trở về bờ sau 4 giờ lặn hái rong mơ, nói: “Cứ sáng một chuyến, chiều một chuyến, lặn 8 tiếng là tôi hái được khoảng 12 tạ rong tươi mang vào bờ cho vợ phơi. Chồng hái, vợ phơi từ sáng đến chiều tối được cỡ 2 tạ rong thành phẩm. Giá rong mơ năm nay khoảng 6.500 – 7.000 đồng/kg, nên mỗi ngày hai vợ chồng kiếm được hơn một triệu đồng”.
Người dân làng chài Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Châu (Bình Sơn) khai thác rong mơ. |
Có nguồn thu nhập khá nhờ “lộc biển”, nhưng đây là công việc mà ngư dân phải bỏ ra rất nhiều công sức. Vừa nhọc nhằn lặn hái rong mơ, vừa quần quật phơi trên bờ, nên nghề khai thác rong mơ chỉ dành cho những ngư dân có sức khỏe.
Đi thúng ra gành Ta, cách bờ khoảng 0,5 hải lý để khai thác rong mơ, hành trang của những người đàn ông xóm chài chỉ là bình lặn và các túi lưới. Đeo túi lưới vào cổ, người lặn vừa thoăn thoắt cắt rong mơ, vừa căng người trụ và giữ túi lưới trước những đợt sóng xô. Thành thử khi hái đủ 6 tạ rong, cũng là lúc tay và cổ của người lặn mỏi nhừ.
“Đeo túi lưới đựng rong rồi hái cho đến khi nào đủ 1 tạ. Một ngày hái và đeo chừng 12 túi lưới như vậy, nên cổ tôi mỏi nhừ. Nhiều lúc bị trặc cổ, nhưng vì một năm chỉ được vài tháng mưu sinh này, nên có khổ mấy cũng ráng”, ngư dân Nguyễn Duy Tụy cho hay.
Công đoạn hái rong đã nhọc, việc phơi rong khô cũng không kém phần vất vả. Phơi trên bãi cát ven bờ, những người phụ nữ làng chài phải quần quật cả ngày ngoài nắng để lật, đảo từng mớ rong. “Cả ngày ở ngoài nắng, nên nhiều lúc tôi bị hoa mắt. Phơi xong, lại nóng ruột ngồi chờ chồng đi thúng vào để phụ kéo thúng. Mình cực, nhưng anh ấy còn cực hơn”, chị Nguyễn Thị Sương cho biết.
Vất vả, cơ cực, nhưng theo những ngư dân ở Hải Hòa, khai thác rong mơ là nghề khá bấp bênh do đầu ra và giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Có năm, rong mơ được mùa, nhưng lại rớt giá thê thảm khiến bà con ngư dân lúc nào cũng bị động, thiệt thòi trước những bất ổn của thị trường. Vì vậy, tuy nói là “lộc biển”, nhưng không phải năm nào, mồ hôi, công sức mà bà con đổ ra cũng may mắn đổi lại thu nhập tương xứng như vụ rong mơ năm nay.
Bài, ảnh: Ý THU