(Báo Quảng Ngãi)- Dù hỗ trợ đắc lực cho người dân giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, nhưng ở các địa phương, việc thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất vẫn chưa được chú trọng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) góp phần rất lớn vào hiệu quả của chương trình xây dựng NTM ở các địa phương. Thông qua các HTX, THT, nông dân tiếp cận được các phương thức canh tác mới, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo điều kiện hoàn thành tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập. Tuy nhiên, nhiều HTX, THT hiện nay hoạt động khá đơn điệu. Ở một số nơi, chính quyền cơ sở chưa thấy hết vai trò, sự cần thiết của HTX, THT trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương, nên cũng không mặn mà trong công tác chỉ đạo hoặc thành lập mới.
Hoạt động đơn điệu
Tại nhiều xã miền núi, nông dân có nhu cầu rất lớn trong việc chuyển giao quy trình canh tác mới; tiếp cận với các dịch vụ làm đất, cung ứng giống và vật tư nông nghiệp giá rẻ, đảm bảo chất lượng... Tuy nhiên, vì không có HTX, THT làm cầu nối nên các doanh nghiệp e ngại. “HTX hoặc THT là tổ chức đại diện cho nông dân khi triển khai hợp tác với doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp không có điều kiện để làm việc với từng hộ nông dân”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình Nguyễn Xuân Kỳ, cho biết.
Không có HTX làm cầu nối, nông dân khó có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp giá rẻ, đảm bảo chất lượng. |
Trong khi đó, một số địa phương thành lập mới các HTX, THT chỉ để hoàn thành tiêu chí số 13 trong chương trình xây dựng NTM! Điển hình như xã Long Sơn (Minh Long). Ngoài việc điều tiết nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp thì THT thủy lợi cũng... không biết hoạt động gì thêm! Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn Nguyễn Đăng Vinh lý giải: “Tổ hợp tác thủy lợi “sống nhờ” nguồn thủy lợi phí được Nhà nước cấp, chưa mạnh dạn tổ chức các dịch vụ khác, nên hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp”. Vấn đề là, kể từ năm 2017, Chính phủ quy định tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất chỉ tính đối với HTX, không tính đối với THT. Vì vậy, để được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2019, xã Long Sơn phải “nâng cấp” từ THT lên HTX. Đây được xem là thách thức lớn đối với địa phương này.
“Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, cộng đồng người dân hiểu về vai trò, vị trí, tổ chức hoạt động của HTX. Chính quyền các địa phương phải xây dựng đề án phát triển HTX gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Tích cực nhân rộng những mô hình HTX hoạt động hiệu quả. Thúc đẩy thành lập HTX ở các xã miền núi nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất cũng như đáp ứng yêu cầu tiêu chí số 13”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ĐẶNG VĂN MINH |
Làm gì để HTX xứng danh “bà đỡ”
Qua khảo sát tiêu chí số 13 tại các xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2020, vẫn còn nhiều địa phương chưa thành lập HTX hoặc HTX hoạt động ì ạch, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. “Nếu các HTX không củng cố, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động thì chắc chắn lộ trình xây dựng NTM của các địa phương sẽ trở ngại vì tiêu chí số 13”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Hạnh khẳng định. Vì vậy, để mục tiêu "98 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020" trở thành hiện thực, trước hết chính quyền các địa phương phải dành sự quan tâm tương xứng cho lĩnh vực kinh tế hợp tác.
Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Võ Đình Trà chia sẻ: “Yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của HTX là nguồn nhân lực. Vì vậy, thời gian qua huyện chú trọng công tác thu hút cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn về làm việc tại HTX”. Bên cạnh đó, huyện Bình Sơn cũng chọn một số HTX điển hình để thực hiện các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đó sẽ nhân rộng một số mô hình phù hợp với nhu cầu thị trường. Điều này không chỉ tạo điều kiện để các thủ lĩnh HTX giao lưu, học tập kinh nghiệm mà còn lan tỏa ý nghĩa, vai trò “bà đỡ” của HTX giai đoạn mới.
Bên cạnh sự giúp sức của các cấp ngành, tự thân HTX cũng phải chủ động tổ chức những dịch vụ cung ứng cho thành viên theo hướng phát triển ổn định và bền vững. Trong đó, cần chú trọng đến các loại hình dịch vụ liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm của thành viên HTX và người dân địa phương. Có vậy thì HTX mới phát triển bền vững, xứng danh là “bà đỡ” của nông dân, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng NTM của địa phương.
Bài, ảnh: MỸ HOA