Xác lập quyền sở hữu công nghiệp "Chè Minh Long"

10:04, 10/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nếu như Yên Bái nổi tiếng với chè Shan Tuyết; Lâm Đồng được nhiều người biết đến với trà Ô Long, thì ở Quảng Ngãi, chè Minh Long đã trở thành thức uống không thể thiếu của bao người. Hương vị chè Minh Long được kết tinh từ thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt ở vùng đất mà người Pháp đã nghiên cứu chọn trồng từ trăm năm trước, nên không thể lẫn với các loại chè khác. Giờ đây, cây chè trở thành cây trồng bản địa, đem lại nguồn thu nhập khá cho đồng bào Hrê trong vùng.
 

TIN LIÊN QUAN

Đến thời điểm này, huyện Minh Long đã xác lập được quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu chứng nhận “Chè Minh Long” tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đối với dịch vụ trồng chè và sản phẩm chè uống trên địa bàn huyện.

Đặc trưng chè Minh Long

Từ thời Pháp thuộc, cây chè đã đứng chân trên vùng đất Minh Long. Theo tài liệu thống kê của huyện, cây chè được trồng ở đây có thời điểm lên đến hơn 500ha. Theo các già làng, sở dĩ cây chè được trồng rộng rãi trên vùng đất này là để làm thức uống và chữa bệnh.
 
Theo ngành y dược chứng minh: Chè xanh có chứa nhiều loại vitamin có giá trị, có tác dụng giúp bảo vệ sức khoẻ, giải khát, tiêu hoá tốt, giảm bệnh béo phì, chống lão hoá... Ngoài để uống, nước chè xanh có thể dùng để rửa, khử trùng trên cơ thể rất tốt. Vì thế, chè không những có tên trong danh mục giải khát mà còn có tên trong từ điển y học, dược học. Theo một số tài liệu, người Nhật Bản khẳng định, chè cứu người khỏi bị nhiễm xạ và gọi đó là thức nước uống của thời đại nguyên tử.
 
Ngoài những đặc tính ưu việc chung của chè xanh, chè Minh Long được trồng trên vùng đất sườn đồi, chủ yếu là giống bản địa, có tuổi đời từ 20-60 năm, sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên; không phun thuốc, không bón phân hóa học, thu hoạch lá quanh năm, là thức uống sạch, nên được nhiều người sử dụng.
 
Chè Minh Long trồng trên đồi, không phun thuốc nên chất lượng ngon và khá sạch
Chè Minh Long trồng trên đồi, không phun thuốc nên chất lượng ngon và khá sạch


Do trồng ven sườn đồi, nên cây chè phát triển theo sự điều tiết của khí hậu, mưa, nắng trên địa bàn nên chất lượng tốt, hương vị thơm, ngọt dịu đặc trưng không lẫn với bất cứ loại chè xanh nào hiện có trên thị trường. Mặc dù đã 60 tuổi, nhưng hằng ngày bà Nguyễn Thị Tuyết ở xã Nghĩa  Dõng (TP.Quảng Ngãi) vẫn pha chè cho cả nhà thưởng thức. Bà cho rằng, gia đình đã quen với nước chè xanh Minh Long. Cứ mua một bó 10.000 -12.000 đồng là uống được 4 -5 ngày.

Mấy năm gần đây, chè Minh Long đã được nhiều cán bộ, nhân viên chọn làm thức uống hằng ngày trong cơ quan, trong những cuộc họp. Giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Quảng Ngãi từng bộc bạch: Có bao thức uống, nhưng hằng ngày tôi vẫn cứ thích chè xanh. Thiếu loại thức uống này miệng cứ nhạt. Chè xanh Minh Long đã trở thành thức uống khá quen thuộc và đi vào tiềm thức của bao người. Vì thế, nhiều gia đình đã từng uống chè xanh Minh Long, thì không thể quên được hương vị của chè xanh ở vùng cao này.
 

Năm 2016, huyện Minh Long đã tính toán sơ bộ trên cùng một đơn vị diện tích canh tác giữa cây chè và cây keo, thì bình quân một hécta chè thu bình quân 30-40 triệu đồng/năm, trong khi đó một chu kỳ cây keo từ 4-5 năm, thu bình quân từ 60-70 triệu đồng/1 chu kỳ. Như vậy giá trị kinh tế từ cây chè cao hơn nhiều so với cây keo. Nhờ đó diện tích chè tăng lên theo từng năm. Chất lượng chè ngày một tăng lên, tạo được uy tín trên thị trường.

Bảo tồn cây truyền thống

Giữa thời điểm giao mùa cuối xuân sang hè, tiết trời ấm áp, những búp non xanh vươn mình trên những cành chè rải rác khắp ven sườn đồi Minh Long. Đồng bào Hrê tranh thủ trong mùa giáp hạt cõng gùi lên đồi thu hoạch để bán về xuôi. Chị  Đinh Thị Ôn, ở thôn Hà Liệt xã Long Hiệp, cho hay:  Giờ trời nắng nóng, nhiều người thích uống chè để giải nhiệt, nên vợ chồng tranh thủ hái bán kiếm ít tiền mua mắm, muối, gạo... Từ tháng Giêng đến nay, vợ chồng tận dụng thời gian, lúc sáng và chiều tối lên đồi cắt mỗi ngày được 20 bó. Giá chè được thương lái mua tại chỗ từ 8.000 – 10.000 đồng/bó, tùy thời điểm, nên bình quân mỗi ngày thu được 200.000 đồng.

Với diện tích gần 2ha đồi trồng chè của ông cha để lại, vợ chồng anh Đinh Thanh Rừng ở cùng thôn với chị Ôn đã sống khỏe với cây chè. Anh Rừng bảo: "Cứ một năm thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt kiếm 30 – 35 triệu đồng". Nói rồi anh Rừng cười xòa: "Chè ở đây không phải chăm bón, cứ mưa xuống là chồi lên, mình chỉ việc đi thu hoạch bán thôi".

Tuy nhiên, trong những năm qua, giá trị kinh tế mang lại từ cây chè rất bấp bênh. Các cấp chính quyền và người dân chưa quan tâm nhiều đến cây chè; hoạt động sản xuất- tiêu thụ còn manh mún, nhỏ lẻ, nên giá trị, sức cạnh tranh với các loại cây trồng khác như mì, keo chưa cao. Địa bàn tiêu thụ chủ yếu là các huyện, thành phố trong tỉnh. Thấy được lợi ích từ cây chè, huyện Minh Long đã quyết định bảo tồn cây trồng truyền thống này và xem cây chè là cây kinh tế mũi nhọn của huyện. Huyện đã vận động bà con bảo tồn, phục hồi, cải tạo và trồng mới 95ha chè. Đến cuối năm 2015, sản lượng ước đạt 315 tấn, tăng 1,2 lần so với năm 2010. Đây được xem là nguồn thu nhập chính của hơn 70% người Hrê trong toàn huyện.

Niềm vui người bán chè khi được giá
Niềm vui người bán chè khi được giá

Ngoài lượng chè xanh tiêu thụ trong tỉnh, hiện nay, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã tiêu thụ một lượng rất lớn chè xanh Minh Long. Bình quân mỗi ngày người dân Minh Long bán ra thị trường khoảng 1.500- 2.000 bó chè tươi (1,5 - 2 tấn chè). Bình quân mỗi hộ thu nhập từ 6- 8 triệu đồng/tháng (với những hộ trồng quy mô lớn).

Từ lợi ích kinh tế này, để bảo tồn giá trị, phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương, tạo điều kiện để người nông dân an tâm sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, phát triển thị trường và khai thác thương mại thích hợp; đòi hỏi phải có kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm chè. Huyện đã đề xuất, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Chè Minh Long”.  Đây là điều kiện rất thuận lợi cho địa phương phát triển sản phẩm truyền thống.

Nhãn hiệu “Chè Minh Long”
Nhãn hiệu “Chè Minh Long”
Xác lập nhãn hiệu “Chè Minh Long”

Dự án được phê duyệt với tổng kinh phí hơn 2,637 tỷ đồng, triển khai trong thời gian 30 tháng, bắt đầu từ năm 2016- 2019, gồm nhiều hạng mục. Hiện nay, huyện Minh Long tiến hành triển khai chọn 3 xã Long Hiệp, Long Mai, Thanh An để trồng mới 6ha chè. Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn huyện Minh Long  Nguyễn Đức Thịnh cho biết, với mô hình trồng thí điểm này, nhằm giúp bà con biết kỹ thuật trồng chè, chăm sóc và thu hái chè. Trên cơ sở này sẽ nhân rộng ra toàn huyện giúp người trồng chè tiếp cận các quy trình kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm chè tươi, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp cũng đã tiến hành triển khai đầu tư 500 triệu đồng vốn đối ứng dự án để mua sắm thiết bị máy ly tâm (máy tạo ráo nước); hệ thống máy đóng gói; hút chân không, đầu tư dây chuyền vận chuyển khi nông hộ thu hoạch từ đồi về nhà máy. Giám đốc HTX Nông nghiệp Minh Long Nguyễn Đình Dũng, cho biết: Hiện nay, HTX đã mở 14 đại lý trong toàn tỉnh để cung ứng chè tươi Minh Long cho dân sử dụng.

Sau ngày 14.4.2017, HTX sẽ thu mua 1 tấn chè/ngày của bà con rồi sơ chế đúng quy trình kỹ thuật, đóng gói, bảo quản, có nhãn hiệu chứng nhận “Chè Minh Long” trên bao bì sản phẩm, khi xuất ra thị trường không thể lẫn lộn với các loại chè khác. Chè Minh Long đóng gói sẽ loại bỏ các lá hư, úa, bảo quản được lâu hơn chè chưa sơ chế, giúp người dùng an tâm thưởng thức.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.