Buồn cho cây chè Minh Long

08:08, 20/08/2012
.

(QNg)- Cây chè Minh Long từ lâu đã nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh bởi sự thơm ngon và vị chát "không đụng hàng". Tuy nhiên, thay vì phát triển giống chè đặc biệt này, địa phương lại cho du nhập giống chè ở tận… Phú Thọ, tạo ra nhiều chuyện "dở khóc, dở cười" xung quanh loại cây truyền thống này.

Từ gói hỗ trợ sản xuất của Chương trình 30a, chính quyền 3 xã gồm: Thanh An, Long Môn và Long Hiệp đã mua 388.220 cây chè lai giâm hom LDB1 trị giá gần 1 tỉ để cấp cho dân trồng. Tuy nhiên, loại chè xứ Bắc này không chịu nổi điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng đất núi Minh Long nên sau gần 1 năm… thử nghiệm, cây chết dần chết mòn, số khác thì lớn… chậm!

Chuộng chè lai, chê chè bản địa

Từ lâu, cây chè không chỉ  mang lại nguồn thu nhập giúp người dân miền núi Minh Long no cái bụng, mà còn là thước đo về độ giàu nghèo của đồng bào H'rê. Thế nên mới có chuyện trước kia, tài sản của mỗi gia đình không được tính bằng tiền mà là… số rẫy chè! Nhưng sau khi keo và mì xuất hiện thì cây chè mất dần vị trí tiên phong, diện tích chè vì thế cũng thu hẹp đến gần 70%. Và không biết đấy có phải là lí do khiến cho các địa phương trên mua giống chè LDB1 để khuyến khích người dân trồng? Bởi ngay từ đầu, nhiều người đã hoài nghi, thậm chí tẩy chay LDB1 vì "chè xứ Bắc, sao hợp với vùng đất núi cằn cỗi như Minh Long?”. Biết thế, nhưng bà con cũng bấm bụng trồng thử vì biết đâu…!. Vậy mà gần 1 năm trôi qua, thay vì bắt đầu cho thu hoạch như giống chè địa phương thì cây chè lai này vẫn cứ đứng trơ trơ như… thuở ban đầu!

 

 Bà Đinh Thị Nhiêu thu hoạch chè trên rẫy của mình.
Bà Đinh Thị Nhiêu thu hoạch chè trên rẫy của mình.


Ông Đinh Tre ở thôn làng Vang, một trong những người có nhiều rẫy chè nhất xã Thanh An rầu rĩ nói: "Cây gì mà trồng hoài chẳng lớn, đã mất công chăm còn rước thêm cái… bực". Còn ông Đinh Ê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An thì khẳng định: "Tôi cũng trồng thử vài chục cây chè lai để xem nó sống thế nào. Nhưng đúng như bà con phản ánh, giống chè này mắc bệnh… suy thoái sớm!".

Nếu như người dân 2 xã Thanh An và Long Môn "tẩy chay" chè LDB1 thì ông Nguyễn Đình Dũng - Chủ tịch UBND xã Long Hiệp lại cho rằng: "Giống chè này hợp với đất Minh Long nên phát triển rất tốt". Kết quả trái ngược này theo ông Dũng là xuất phát từ cách trồng và chăm sóc chè. "Để cây chè lai phát triển thì nó phải được trồng dưới tán cây, tránh ánh nắng trực tiếp sau 1 năm tuổi", ông Dũng khẳng định. Nhưng "bí quyết" này thì người trồng chè ở 2 địa phương trên chẳng thể biết, trong khi ở Long Hiệp thì được tổ kĩ thuật hướng dẫn rất kĩ. Vì sao lại có chuyện trái khoáy này, theo ông Lê Minh Chí-Trưởng phòng NN&PTNT huyện Minh Long thì: "Phần vì "lạ" đất, phần chưa được người dân chăm sóc đúng quy trình nên mới có chuyện cây chè ngoại chưa lớn đã già?". Nhưng có bao nhiêu người biết được quy trình trồng và kĩ thuật chăm sóc chè lai bởi từ bao đời nay, họ chỉ biết đến mỗi một loại chè ở vùng đất núi Minh Long?  

"cứu lấy giống chè bản địa"

Đó là tâm nguyện của vợ chồng ông Đinh Ré và bà Đinh Thị Nhiêu, chủ 12 rẫy chè (gần 2 ha) ở thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp, là người còn giữ được diện tích chè nhiều nhất nhì huyện Minh Long hiện nay. Điều đặc biệt là với chừng ấy diện tích nhưng chưa bao giờ ông bà dành đất cho bất kì giống chè ngoại lai nào. Bởi theo họ thì: "Cây chè bản địa đã có chỗ đứng vững chắc với người tiêu dùng nhờ hương vị có một không hai của nó. Vậy thì cớ gì mình không tìm cách phát huy giá trị ấy mà lại tốn tiền đi thử nghiệm các giống chè khác".

Có lẽ vì vậy mà năm 2011, ông không nhận chè LDB1 mà chỉ tập trung phát dọn rẫy chè "quê" của mình. "Lớn tuổi, sức khỏe yếu nên già vừa chia 8 rẫy chè cho 4 đứa con, mình giữ lại 4 rẫy để dưỡng già", ông Ré thật thà cho hay. Nhấp ngụm chè đặc quánh, ông Ré trầm ngâm bảo rằng: "Nhờ chè mà trước kia bà con có tiền cất nhà; sắm chiêng, ché hay mua trâu, bò. Nhưng giờ thì họ chỉ biết đến keo, mì mà quên mất rằng, chè mới là cây giúp họ có cái ăn hằng ngày". Để chứng minh điều đó, ông Ré tiết lộ: "Sáng lên rẫy, tiện tay hái chừng 50 lọn chè là đã bỏ túi 150.000 đồng. Ở vùng đất này thì làm gì để có được thu nhập cao như thế".  

Quả thật, khi thị trường tràn ngập thức uống bị cho là "ướp" các loại hóa chất độc hại thì cây chè cho nước vừa sạch vừa tốt cho sức khỏe đang được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Đây là cơ hội để người trồng chè yên tâm gắn bó với loại cây này bởi hiện nay, giá chè luôn giữ ở mức cao (2.500 - 3.000 đồng/bó). Và như thế, mỗi hộ chỉ cần chừng 5 sào chè là đã có thể… sống khỏe!.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là không còn nhiều người muốn giữ cây chè. Thậm chí, một số địa phương như xã Thanh An lại tập trung phát triển diện tích keo và mì, còn cây chè thì… tự người dân giữ lấy! Do đó, muốn bảo tồn và phát huy hiệu quả của loại cây vốn có tiếng là "bảo bối" của người dân miền núi Minh Long thì, đã đến lúc chính quyền địa phương nên có lộ trình và định hướng phát triển bền vững.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.