Nông sản chật vật vào siêu thị

10:04, 20/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với nhiều siêu thị lớn, lẽ ra nông sản Quảng Ngãi sẽ rộng đường tiêu thụ. Tuy nhiên, vì không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nên chỉ có 10% nông sản Quảng Ngãi có mặt trong siêu thị.

TIN LIÊN QUAN

Sản phẩm nhiều “không”

Để vào siêu thị, nông sản phải đảm bảo hàng loạt các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hàm lượng nitrát và vi sinh; thông tin phục vụ việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... “Nhưng hầu hết nông sản Quảng Ngãi không đảm bảo những yêu cầu này”, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi Lê Hồng Ca cho biết.

Thực trạng trên bắt nguồn từ thói quen sản xuất “nhiều phân tốt lá, sai quả” của nông dân. Thay vì áp dụng các biện pháp canh tác thân thiện với môi trường, nhiều nông dân lại lạm dụng phân hóa học và thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc diệt cỏ và chất kích thích sinh trưởng để đỡ tốn công chăm sóc. Không chỉ nông dân, mà doanh nghiệp (DN) sản xuất rau sạch trên địa bàn tỉnh cũng chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm của Co.opmart.

Không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên chỉ có 10% nông sản Quảng Ngãi có mặt trong siêu thị.
Không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên chỉ có 10% nông sản Quảng Ngãi có mặt trong siêu thị.


Để tiêu thụ nông sản Quảng Ngãi, Co.opmart đã đặt vấn đề hợp tác với một DN sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh. Dù sản phẩm của DN này được công nhận VietGap, nhưng hiện nay giấy chứng nhận VietGap đã hết hạn. Kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV, hàm lượng nitrát và vi sinh cũng chưa đáp ứng yêu cầu.

Vì vậy, dù Quảng Ngãi có hơn 5.000ha rau màu, nhưng chỉ có 10% rau ăn lá được vào siêu thị Co.opmart. Riêng các mặt hàng củ, quả thì Co.opmart phải nhập 100% từ TP.Hồ Chí Minh và Đà Lạt.

Nhiều rào cản kỹ thuật

Có thời điểm giá dưa hấu trên địa bàn tỉnh giảm chỉ còn 1.000 đồng/kg, nhưng tại Co.opmart hoặc một số cửa hàng bán hoa quả cao cấp, dưa hấu Gò Công (Tiền Giang) vẫn “cháy” hàng, với mức giá 15.000 đồng/kg. Lý giải nghịch lý này, ông Lê Hồng Ca cho rằng: “Dưa hấu Quảng Ngãi chưa được ngành chức năng kiểm nghiệm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ... nên Co.opmart ngại tiêu thụ”. Vấn đề là, các chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV, hàm lượng nitrát và vi sinh sẽ phải tái kiểm nghiệm sau 6-12 tháng, chi phí thực hiện trên 2 triệu đồng/mẫu/lần, nên nông dân không có điều kiện đáp ứng. Về phía DN thì cho rằng, số lượng mặt hàng tiêu thụ lớn, nên họ không thể kiểm nghiệm nhỏ lẻ, tất cả phải qua nhà cung cấp.  

Ngoài ra, nguồn cung bất ổn do quy trình sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, cộng với tình trạng thừa rau ăn lá; thiếu các loại củ, quả cũng khiến các nhà cung cấp e ngại khi hợp tác. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lê Văn Việt cho rằng, hệ lụy này xuất phát từ việc quy hoạch vùng sản xuất chưa phù hợp, nông dân thiếu vốn đầu tư và... ngại khó. Bởi, sản xuất rau ăn lá dễ làm, chi phí đầu tư thấp, thời gian quay vòng vốn nhanh so với các loại củ, quả.

Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư thâm canh đa dạng các loại sản phẩm, đã đến lúc chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp cần quyết liệt trong công tác quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất quy mô, đảm bảo sự ổn định về số lượng, đồng nhất về chất lượng, gieo trồng và thu hoạch tập trung để hạn chế tổn thất, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Có như vậy, các loại nông sản “Made in Quảng Ngãi” sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường, nhất là vào các siêu thị, hệ thống nhà cung cấp trong và ngoài tỉnh.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.