Nông sản sạch, nông sản hữu cơ: Doanh nghiệp sốt sắng, nông dân sẵn sàng

05:03, 25/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế ô nhiễm môi trường... những ưu điểm vượt trội đó đã hấp dẫn doanh nghiệp (DN) và nông dân trong tỉnh tham gia sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ (NSS, NSHC).

TIN LIÊN QUAN

Cùng với Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín (Công ty Nông Tín), mới đây Tập đoàn Quế Lâm cũng đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư vào lĩnh vực sản xuất NSS, NSHC. Tập đoàn Quế Lâm hiện đang khảo sát và lựa chọn địa điểm đầu tư. Dự kiến, việc sản xuất sẽ được DN này triển khai thực hiện từ vụ hè thu 2017 với sản phẩm lúa gạo.    

Vừa làm, vừa cải tạo

Lần đầu tiên hợp tác với Công ty Nông Tín sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ, ông Nguyễn Văn Minh, thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) hơi lúng túng. “Làm đất nhiều lần, diệt cỏ dại bằng... tay, phun thuốc vi sinh, bón phân hữu cơ, nhưng phải đúng liều lượng và chủng loại”, ông Minh lý giải.

Vì vậy, dù đã được cán bộ Công ty Nông Tín hướng dẫn kỹ thuật sản xuất ngay từ đầu vụ, nhưng khi xuống giống, ông Minh cũng như nhiều nông dân vẫn hoài nghi, nhất là khi lượng phân bón nhiều mà lúa chẳng xanh tốt như trước. Đặc tính này được cán bộ chuyên môn lý giải là phân hữu cơ, thuốc vi sinh tác dụng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Tuy nhiên, ông Minh vẫn cho rằng, “lúa xanh xanh vàng vàng, nhìn không sướng mắt”. Mãi đến khi cây lúa lớn nhanh đẻ nhánh khỏe, bà con mới yên tâm.  

 Sản phẩm gạo thảo dược-LĐ1 của Công ty Nông Tín được thị trường đón nhận.
Sản phẩm gạo thảo dược-LĐ1 của Công ty Nông Tín được thị trường đón nhận.


Không những thế, khi giống lúa đen LĐ1 được 30 ngày tuổi thì toàn thân... đen sì. Nông dân hốt hoảng vừa cầu cứu cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Nghĩa Hành, vừa đề nghị Công ty Nông Tín lên phương án hỗ trợ, bồi thường thiệt hại! Chỉ đến khi được cán bộ kỹ thuật giải thích, bà con mới vỡ lẽ đó là đặc tính của giống lúa “đen từ thân đến hạt”.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Hành Nhân Nguyễn Văn Đóa cho biết, khi tham gia sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ, bà con nông dân đã biết nhiều thứ, từ quy trình đến ý thức sản xuất, bảo vệ môi trường. Vì vậy, thay vì bỡ ngỡ, lo lắng như trước, hiện nay người dân trong xã rất hào hứng với việc sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ. “Đặc biệt, nhiều nông dân đã nói không với phân vô cơ và thuốc trừ sâu. Đây là điều kiện cần thiết để DN mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ”, ông Đóa khẳng định.

Cùng với nông dân xã Hành Nhân, Công ty Nông Tín cũng đầu tư sản xuất 20ha lúa sạch, lúa hữu cơ tại xã Hành Dũng (Nghĩa Hành). Hiện nay, sản phẩm gạo dược liệu của DN này cũng đã được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. “Chúng tôi sẽ hoàn thiện quy trình và mở rộng diện tích sản xuất, cải thiện mẫu mã, đồng nhất chất lượng để hướng đến thị trường xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập cho nông dân”, đại diện Công ty Nông Tín chia sẻ. Theo hợp đồng ký kết, Công ty Nông Tín bảo hiểm năng suất lúa LĐ1 là 40 tạ/ha, giống BM125 là 50 tạ/ha và mức giá thu mua cao gấp 1,5 lần giá thị trường.
         
 “Trải thảm” đón nhà đầu tư

Tập đoàn Quế Lâm đang xúc tiến đầu tư sản xuất NSS, NSHC. Dù Quảng Ngãi có khá nhiều đặc sản như tỏi, quế... nhưng sản phẩm đầu tiên DN này ưu tiên đầu tư là lúa gạo. Tuy nhiên, theo khảo sát của Tập đoàn Quế Lâm, việc tổ chức sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ gặp nhiều khó khăn, vì lâu nay nông dân lạm dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật nên nguồn nước và nước sản xuất bị ô nhiễm. Diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nông dân trong tỉnh dù đã tiếp cận và áp dụng kỹ thuật sản xuất an toàn IPM nhưng vẫn còn mang nặng tư tưởng “nhiều phân tốt lá”. Do đó, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam cho rằng, để có sản phẩm lúa gạo hữu cơ, DN phải mất ít nhất 3 năm để cải tạo đất cũng như thay đổi quy trình, ý thức sản xuất của nông dân.

 Sản xuất bí đỏ xuất khẩu sang Nhật Bản phát triển theo mô hình nông sản sạch, nông sản hữu cơ.
Sản xuất bí đỏ xuất khẩu sang Nhật Bản phát triển theo mô hình nông sản sạch, nông sản hữu cơ.


Để tạo điều kiện cho Tập đoàn Quế Lâm cũng như các DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất NSS, NSHC, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), UBND các huyện Đức Phổ, Nghĩa Hành, Mộ Đức cũng đã hình thành những khu vực liên vùng liên thửa.

Tại huyện Mộ Đức, cùng với việc quy hoạch xây dựng những cánh đồng sản xuất lớn có diện tích từ 50ha trở lên, địa phương này cũng đã mời gọi các DN đầu tư vào khu vực đất ven biển. Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn cho rằng, đất ven biển đảm bảo các yêu cầu sản xuất NSS, NSHC mà Tập đoàn Quế Lâm đưa ra như rộng, liên vùng và đặc biệt là “sạch”, nên DN không mất thời gian cải tạo đất.

Đáp lại sự nhiệt tình của chính quyền địa phương và nông dân trong tỉnh, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam cho rằng, DN sẽ tích cực tham gia vào việc sản xuất NSS, NSHC với tinh thần hợp tác, đôi bên cùng có lợi. Vì vậy, chính quyền địa phương hỗ trợ bao nhiêu, DN đón nhận bấy nhiêu. “Chúng tôi không làm ăn theo kiểu mì ăn liền, bỏ rơi nông dân khi gặp rủi ro, thiệt hại”, ông Lam cam kết. Song, để đảm bảo hài hòa lợi ích của DN và nông dân, ông Nguyễn Hồng Lam đề nghị “chính quyền địa phương cần quan tâm, tăng cường trách nhiệm trong việc giám sát, sản xuất và tiêu thụ”.


Với sự vào cuộc nhiệt tình của DN và chính quyền địa phương, cộng với tâm thế sẵn sàng của nông dân, lĩnh vực sản xuất NSS, NSHC hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá mới cho ngành nông nghiệp tỉnh.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 

Ngành nông nghiệp sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp

 

Đó là khẳng định của Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô khi đề cập đến việc thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Quảng Ngãi.

-PV: NSS, NSHC đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên sẽ “kén” đối tượng tham gia, ngành nông nghiệp gỡ khó cho DN như thế nào, thưa ông?

Ông DƯƠNG VĂN TÔ: Sản xuất NSS, NSHC thực chất là sự thay đổi hành vi sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng. Thuốc vi sinh, phân hữu cơ không gây hại sức khỏe con người, tăng độ màu mỡ cho đất và kích thích sự phát triển của các loại vi sinh vật có lợi. Những nơi nông dân “nói không” với phân vô cơ, thuốc trừ sâu thì cây trồng ít bị các loại dịch hại gây hại. Tuy nhiên, để thay đổi tư tưởng “phân nhiều tốt lá, sai quả” của nông dân thì phải cần thời gian. Trước hết, ngành nông nghiệp sẽ đồng hành cùng DN trong việc tổ chức thí điểm các mô hình sản xuất để nông dân được tận mắt nghe, thấy và thử chất lượng sản phẩm.

PV: Điều kiện tiên quyết của DN khi đầu tư vào nông nghiệp là diện tích lớn và liên vùng, liên thửa. Ông có thể cho biết giải pháp đẩy nhanh tiến độ DĐĐT trên địa bàn tỉnh?

Ông DƯƠNG VĂN TÔ: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 50, quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mức đầu tư cho DĐĐT tăng từ 7 triệu đồng lên 15 triệu đồng/ha được xem “lực đẩy” để DĐĐT bứt phá. Theo kế hoạch năm 2017, toàn tỉnh sẽ DĐĐT khoảng 1.700ha, kinh phí hỗ trợ gần 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện DĐĐT. Do đó, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí kịp thời, tạo điều kiện đẩy nhanh công tác DĐĐT, góp phần thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, sản xuất NSS, NSHC nói riêng.

M.H

 


 


.