Hàng Việt chưa kết nối với nông sản

10:08, 04/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau 6 năm triển khai thực hiện tại Quảng Ngãi đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, để đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu, cần một  sự kết nối giữa việc cung ứng hàng Việt với tiêu thụ nông sản của nông dân.

Hàng Việt tới tay người tiêu dùng

Trong năm 2015, việc đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi do Sở Công thương phối hợp với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tổ chức rầm rộ hơn những năm trước. Tổng cộng đã có khoảng 20 chuyến hàng Việt được đưa về các địa bàn nông thôn, miền núi phục vụ người dân. Mục tiêu chính vẫn là “làm thương hiệu” giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao tại thị trường vốn nhiều tiềm năng nhưng còn bị bỏ ngỏ này. Tuy nhiên, doanh thu bán hàng từ những phiên chợ, những chuyến hàng đạt khá cao, có những phiên chợ sau 3 ngày đã đạt doanh thu 150 triệu đồng, trong khi hàng hóa chủ yếu là sản phẩm hóa mỹ phẩm, quần áo may sẵn, hàng đông lạnh, thực phẩm chế biến sẵn… giá bán không quá cao. Điều đó chứng tỏ sức mua tại thị trường nông thôn, miền núi đã cải thiện hơn trước, do thu nhập của người dân đã được nâng lên.

 

Người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại phiên chợ hàng Việt tổ chức tại huyện miền núi Ba Tơ.
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại phiên chợ hàng Việt tổ chức tại huyện miền núi Ba Tơ.


Hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn còn được các nhà sản xuất, phân phối thực hiện theo chiến lược bài bản. Các nhà máy của Công ty CP Đường Quảng Ngãi  gần đây không ngừng tăng cường “đánh sâu” vào thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường nông thôn, miền núi. Đi đến các vùng xa, hẻo lánh, hải đảo nơi nào cũng thấy các sản phẩm của Thạch Bích, Bia Dung Quất, Vinasoy của Công ty CP Đường Quảng Ngãi. Điều đó tạo thuận lợi rất lớn cho người dân được sử dụng sản phẩm chất lượng.

Các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh, trong xu thế ấy cũng đã có những cải tiến trong kinh doanh, mở rộng quảng bá thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm trên quầy, sạp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Mục tiêu không chỉ là bán được thật nhiều hàng mà hơn thế, hoạt động này còn quảng bá, xúc tiến đầu tư, chiếm lĩnh và phát triển thị trường một cách ổn định, bền vững.

Kết nối tìm hướng đi cho nông sản

Tuy nhiên, có một thực tế là, sự kết nối hàng Việt mới chủ yếu chỉ có một chiều: Từ doanh nghiệp, nhà phân phối đến tay người tiêu dùng. Còn chiều ngược lại, hàng hóa do chính tay nông dân làm ra được đưa đến nhà máy, xí nghiệp, siêu thị trong tỉnh vẫn chưa được quan tâm. Đơn cử tại 5 siêu thị và 1 trung tâm thương mại trong tỉnh, các mặt hàng nông sản, nhất là rau xanh dường như vẫn phải nhập từ Đà Lạt, Quảng Nam về với giá bán khá cao. Trong khi lượng rau xanh do nông dân trong tỉnh sản xuất ra thì lại phải vào… chợ, giá bán thấp, bấp bênh.

Lý giải về nguyên nhân siêu thị không thể nhập rau xanh trong tỉnh đưa vào bán trong siêu thị được, ông Lê Hồng Ca - Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn – Quảng Ngãi giải thích: “Rau xanh của nông dân thường không đảm bảo các điều kiện kinh doanh trong siêu thị như xuất xứ, chất lượng. Trong khi toàn bộ hàng hóa của siêu thị đều buộc phải có xuất xứ rõ ràng, công bố chuẩn chất lượng, đảm bảo sự tin cậy sử dụng an toàn cho khách hàng”. Ông Nguyễn Vĩnh Thi – Chủ tịch HĐQT Trung tâm Thương mại Ông Bố cho rằng: “Rất muốn nhập hàng là nông sản đặc trưng của miền núi đưa vào siêu thị bán, nhưng cũng vướng do xuất xứ hàng hóa không rõ ràng, nguồn hàng lại không ổn định. Đối với rau xanh thì giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn nông dân lại không có”.

Các siêu thị và trung tâm thương mại trong tỉnh đều mong muốn chính quyền và ngành chức năng nghiên cứu, hỗ trợ nông dân thực hiện các thủ tục công bố quy chuẩn nông sản làm ra. Khi nông sản của nông dân làm ra hợp quy, hợp chuẩn, thì họ sẵn sàng ưu tiên mua để cung ứng ra thị trường. Khi ấy đầu ra của nông sản sẽ ổn định và giá bán các mặt hàng này cũng giảm hơn so với hàng nhập từ các tỉnh, thành phố khác về.  

Việc chính quyền và ngành chức năng quan tâm hỗ trợ, tạo ra sự kết nối chặt chẽ để “nhiều bên cùng có lợi” sẽ giúp hàng Việt đến với nông thôn, miền núi nhiều hơn, đồng thời nông sản của miền núi, nông thôn cũng có “đường đi” ổn định hơn.

Bài, ảnh: P.V
 


.