(Báo Quảng Ngãi)- Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến năm 2020, huyện Tây Trà phải có 1 xã về đích nông thôn mới (NTM) và 5 xã đạt từ 7 tiêu chí trở lên. Đây được xem là động lực để Tây Trà phấn đấu. Tuy nhiên, với đặc thù của một huyện miền núi, thực hiện mục tiêu trên là quá gian nan và khó đạt.
TIN LIÊN QUAN
Mục tiêu xa thực tiễn
Tính đến cuối tháng 3.2017, huyện có 8 xã đạt 4/19 tiêu chí NTM gồm: Quy hoạch, điện, giáo dục và đào tạo, quốc phòng an ninh. Riêng xã Trà Nham đạt 5 tiêu chí (thêm tiêu chí y tế) về NTM.
Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Trà cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III xác định đến năm 2020, toàn huyện có 2 xã là Trà Lãnh và Trà Phong đạt 14-15 tiêu chí. Những xã còn lại đạt ít nhất 7 tiêu chí. Đây là mục tiêu có thể thực hiện được.
“Tuy nhiên, Nghị quyết HĐND tỉnh và Quyết định 420 của UBND tỉnh thì đến 2020, Tây Trà có ít nhất một xã về đích NTM. Chúng tôi biết, mục tiêu mà tỉnh đặt ra cho huyện là động lực để phấn đấu. Thế nhưng, với một huyện nghèo và nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế thì khó có thể đạt được như chỉ đạo của tỉnh”, bà Thúy nói.
Trạm Y tế xã Trà Thanh (Tây Trà) đang phải đầu tư thêm một số hạng mục để đạt tiêu chí nông thôn mới. |
Cái khó mà bà Thúy nói đó là ngoài những tiêu chí đạt được, hầu hết các tiêu chí còn lại tốn rất nhiều tiền đầu tư và thời gian, chứ không thể một sớm một chiều. Trong khi nguồn vốn mà Trung ương rót về lại nhỏ giọt. Bên cạnh đó, đóng góp chính trong xây dựng NTM là từ sức dân, thì ở Tây Trà gần 80% là hộ nghèo phải sống dựa vào trợ cấp, thì lấy gì để đóng góp. Vì vậy, giữa chỉ đạo và thực tế đang có một khoảng cách rất lớn.
Trong các tiêu chí khó thực hiện, Tây Trà xác định là đường giao thông nông thôn, chợ, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo... Tính đến nay, Tây Trà mới chỉ nhựa hóa, cứng hóa gần 15/266km giao thông. Đây là tiêu chí mà Tây Trà cho rằng rất khó đạt được, bởi hệ thống giao thông trên địa bàn huyện rất phức tạp. Muốn hoàn thiện phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng và mất nhiều thời gian. Ngoài ra, một số tiêu chí khác như, trường học hiện mới chỉ đạt chuẩn duy nhất một điểm trường trong tổng số 111 điểm trường...
“Rất nhiều tiêu chí mà đến năm 2020, huyện không thể đạt được. Người dân chưa đủ ăn, thì khó nói đến chuyện xây dựng NTM. Trong khi đó, vốn đầu tư phân bổ về theo quy định phải chia đều cho các xã, nên các địa phương cầm tiền mà chẳng biết đầu tư vào đâu cho hiệu quả. Chẳng hạn như năm 2016, kinh phí xây dựng NTM cấp về mỗi xã 1,5 tỷ đồng, còn năm 2015 chỉ 750 triệu đồng. Huyện phải linh hoạt, lồng ghép từ các chương trình khác và kể cả ngân sách địa phương để giúp các xã đầu tư công trình”, bà Thúy nói.
Cần đánh giá đúng thực trạng
Một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM ở Tây Trà gặp nhiều khó khăn chính là nguồn lực trong dân rất hạn chế. Ngoài ra, hiện nay Tây Trà xác định đối với hạ tầng phải đầu tư... dần dần. Còn tiêu chí về việc làm và thu nhập thì “khó chồng khó”.
Thế nên mới có chuyện, trong số các tiêu chí mà các xã đạt được như điện, thì về mặt kỹ thuật là chưa đạt, nhưng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thì đạt nên... xê xoa chấp nhận. Đối với tiêu chí giao thông, thủy lợi, hợp tác xã... có đầu tư nhưng do thời tiết bất lợi, dẫn đến hư hỏng, nên có thể hôm nay đạt, nhưng hôm sau lại không đạt...
“Tỉnh yêu cầu thì huyện chấp hành, chứ với Tây Trà thì rất khó. Trong cơ chế chính sách cho phép đầu tư hẳn cho một xã, thì Tây Trà dám khẳng định đến 2020 sẽ có một xã về đích NTM. Bây giờ cơ chế quy định một xã chỉ được đầu tư chừng ấy nên rất khó. Linh hoạt thì chỉ dùng nguồn của địa phương. Nhưng nguồn cũng không đủ”, bà Thúy nói.
Còn ông Hoàng Như Lâm-Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà thì cho rằng: “Để xây dựng NTM, huyện đã có Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển nông-lâm nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng cho những năm tiếp theo và Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời huyện kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào huyện. Tuy nhiên, chẳng có doanh nghiệp nào đầu tư cả, bởi hạ tầng quá kém. Để xây dựng NTM ở Tây Trà nói riêng và các huyện miền núi nói chung, tỉnh cần có cơ chế đặc biệt cũng như tập trung nguồn lực đầu tư, mới có thể về đích như chỉ tiêu mà tỉnh đề ra”, ông Lâm nói.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC