(Báo Quảng Ngãi)- Từ tháng 3.2017 đến nay, tình trạng phá rừng ở xã Sơn Linh (Sơn Hà) trở nên gay gắt. Chính quyền và ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, nhưng nhiều diện tích rừng đã bị đốn hạ trước đó...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đốt rừng làm rẫy
Vụ việc phá rừng xảy ra vào khoảng từ 18giờ 30 đến 19 giờ ngày 15.3.2017, tại khu vực núi thượng nguồn đập Prinh, thuộc tiểu khu 222, thôn Làng Ghè, xã Sơn Linh. Tại thời điểm này, lợi dụng lúc cán bộ BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham rời lán trại xuống suối lấy nước về dùng, một số đối tượng đã đốt rừng với diện tích lớn. Lán trại của lực lượng chốt bảo vệ tại đây cũng bị cháy rụi. Lực lượng bảo vệ rừng đã phải cật lực chữa cháy đến 12 giờ đêm cùng ngày ngọn lửa mới được khống chế.
Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham Trần Trung Triết, cho biết: Sau khi tổ chức xác minh, đối tượng đốt rừng khu vực núi thượng nguồn đập Prinh là một học sinh THCS. Theo lời khai của học sinh này, thì cha mẹ chặt hạ rừng và sai em đi đốt để lấy đất trồng keo. “Gần đây có một số hộ đã thiếu tinh thần hợp tác trong chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng; thiếu tinh thần trong tố giác người vi phạm. Vì thế lực lượng bảo vệ rừng rất vất vả trong việc tuần tra, phát hiện, xử lý tình trạng phá rừng ở Sơn Linh”, ông Triết cho biết.
Rừng bị đốn hạ ở Sơn Linh (Sơn Hà). |
Mới đây, Bí thư Huyện ủy Sơn Hà đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại với nhân dân xã Sơn Linh về nhiều vấn đề, trong đó bức xúc nhất là nạn phá rừng. Nhiều người dân đã phản ánh khá gay gắt về tình trạng ngang nhiên chặt phá rừng. Có trường hợp nhiều hộ cùng rủ nhau vào rừng chặt phá. Ông Đinh Văn Gió, ở thôn Làng Xinh, xã Sơn Linh, nói: “Nhiều người muốn có đất trồng keo là đi phá rừng. Có trường hợp phá rừng do chính gia đình mình nhận khoanh nuôi bảo vệ. Thế nhưng, chính quyền và ngành chức năng xử lý chưa kịp thời, không có tính răn đe, làm cho dân mạnh ai nấy phá”.
Chủ tịch UBND xã Sơn Linh Đinh Văn, cho biết: Năm 2016, chủ yếu là rơi vào những tháng cuối năm, trên địa bàn xã đã xảy ra 11 vụ phá rừng, với diện tích hơn 46.000 m2. Trong đó có 9 vụ không xác định được đối tượng; 2 vụ xác định được đối tượng thì 1 vụ xử lý hành chính, 1 vụ đang hoàn tất hồ sơ đưa ra xử lý hình sự. Năm 2017 chưa thống kê chính thức số diện tích rừng bị phá, nhưng cũng không dưới 10.000 m2.
Chi trả chế độ bảo vệ rừng chậm và thiếu
Theo ông Trần Trung Triết, năm 2014, do thiếu kinh phí, BQL rừng chỉ chi trả cho dân 9/12 tháng, thiếu 3 tháng. Năm 2015, chỉ tri trả được 6 tháng, thiếu của dân 6 tháng. Riêng năm 2016, ông Triết nói: “Kinh phí đề nghị cấp trên phân bổ gần 7 tỷ đồng, nhưng thực tế cấp về có 2 tỷ, tức chỉ hơn 30% số đề xuất. Vì thế chia ra chỉ chi trả được 114.000 đồng/ha, chứ không đủ 300.000 đồng/ha như hợp đồng đã ký kết với dân”. Số tiền BQL rừng còn nợ người dân, theo ông Triết chưa thấy cấp trên đề cập đến việc cấp bù, nên cũng chưa biết khi nào thì thanh toán dứt điểm cho người dân được!
Người dân thắc mắc, cho rằng BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham ký hợp đồng một đằng, chi trả tiền một nẻo. Ông Triết lý giải: Do cấp trên phân bổ kinh phí không đủ theo hạn mức hợp đồng đã ký, chứ không phải BQL rừng phòng hộ Thạch Nham tự ý giữ lại. Trong khi hợp đồng bảo vệ rừng ký đầu năm là 12 tháng, với mức 300.000 đồng/ha. Thay vì cấp kinh phí theo đúng định mức 300.000 đồng/ha để phân bổ về cho người dân ngay từ đầu năm, thì đến cuối năm kinh phí cấp, nhưng lại không đủ. Vì thế đành phải tính toán “cắt bớt”.
Năm 2017, đến thời điểm hiện nay, toàn bộ diện tích rừng ở xã Sơn Linh vẫn chưa ký hợp đồng giao cho các hộ dân địa phương khoanh nuôi, bảo vệ. Ông Trần Trung Triết cho rằng, tuy chưa ký hợp đồng, nhưng trách nhiệm bảo vệ rừng của các hộ dân theo số diện tích ổn định như những năm trước đây vẫn có hiệu lực. Sở dĩ chậm tiến hành ký lại hợp đồng là do định mức năm nay tăng từ 300.000 đồng lên 400.000 đồng/ha. Nếu ký theo định mức mới thì giá trị hợp đồng sẽ tăng lên, nhưng không biết cấp trên phân bổ có đúng như hạn mức quy định này hay không. Trong những năm qua, hạn mức cũ đã không thể chi trả đúng, đủ cho dân.
Một số người dân ở xã Sơn Linh cho rằng, năm 2017 không còn hợp đồng khoanh nuôi, bảo vệ rừng với BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham nữa, nên hết trách nhiệm. Vì thế, nhiều người đã vào rừng chặt phá. Ông Đinh Văn Gió, thôn Làng Xinh khẳng định rằng: “Họ nhận thức, hành động thế là không đúng. Dù ký hợp đồng hay không thì dân làng vẫn có trách nhiệm cùng bảo vệ rừng. Phá rừng là vi phạm pháp luật”.
Già làng uy tín Đinh Văn Gió, chia sẻ rằng: "Rừng còn thì người làng còn mây, rau rừng, mật ong để bán. Rừng còn ngăn lũ không cuốn nhà cửa. Rừng còn giữ nước cho các con suối, để dân làng có nước uống, nước tưới cho cây lúa, cây màu”...
Bài, ảnh: THANH NHỊ