(Báo Quảng Ngãi)- Sa Huỳnh là "thủ phủ" làm muối lớn nhất nhì khu vực miền Trung – Tây Nguyên, là niềm tự hào của người dân vùng cực nam của tỉnh. Nhưng nay, cánh đồng muối ấy lại đang dần trở nên "mặn chát" hơn bao giờ hết.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhận gạo hỗ trợ... nhưng buồn
Bao năm qua, hàng vạn cư dân Sa Huỳnh dựa vào hạt muối để sống, vươn lên làm giàu. Nhưng hiện nay đồng muối vắng hoe, ruộng muối bỏ hoang. Trước tình cảnh muối làm ra không bán được, cuộc sống diêm dân gặp nhiều khó khăn, giữa tháng 11.2016, UBND tỉnh đã trích 1,4 tỷ đồng từ ngân sách mua 125 tấn gạo hỗ trợ ba tháng cho 2.783 người dân, với định mức 45kg/khẩu. Nhận gạo hỗ trợ từ Nhà nước, người dân Sa Huỳnh rất biết ơn, nhưng trong thâm tâm họ bùi ngùi không muốn việc này lại tái diễn.
Bà con diêm dân Sa Huỳnh cần mẫn trên ruộng muối. |
Giữa tháng 2.2017, dù chưa đến vụ muối mới, nhưng ông Nguyễn Ngọc Cảnh, một diêm dân “dự báo”, đồng muối năm nay rồi cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Dẫn chúng tôi ra đồng muối, ông Cảnh bảo, từ ngày sinh ra, lớn lên rồi bám vào đồng muối để sống, chưa khi nào ông chứng kiến cảnh bà con diêm dân phải bỏ ruộng hoang hóa, tha phương cầu thực và nhận gạo cứu trợ từ Nhà nước như vừa rồi.
“Chẳng ai muốn lâm vào hoàn cảnh như hiện giờ hết. Bà con diêm dân Sa Huỳnh muốn được sống với nghề, được mua gạo ăn từ chính mồ hôi của mình, chứ không phải ăn gạo cứu trợ từ Nhà nước”, ông Cảnh tâm sự.
Theo Quyết định của UBND tỉnh quy hoạch chi tiết vùng muối Sa Huỳnh, đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất tại vùng muối Sa Huỳnh hơn 114ha, sản lượng 11.000 tấn. Trong đó, diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp 51,55ha với sản lượng 6.000 tấn. Đến năm 2025, tổng diện tích sản xuất muối ổn định 120ha, sản lượng đạt trên 14.000 tấn, trong đó 100% diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp. |
Cần “cần câu chứ không cần con cá”
Trong khi nhiều nơi đã sản xuất muối sạch công nghiệp, thì hầu hết diêm dân Sa Huỳnh vẫn làm theo kiểu thủ công truyền thống, hạt muối lẫn quá nhiều tạp chất. Theo ông Nguyễn Thành Út – Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Muối 1 Sa Huỳnh, không phải người dân không có tầm nhìn, không có ý chí trong việc sản xuất muối sạch, mà vấn đề là họ không theo kịp xu thế hội nhập, không nắm bắt được thời cơ. Để đến khi người tiêu dùng chê muối Sa Huỳnh làm ra “bẩn” và doanh nghiệp nhập muối sạch về thì diêm dân mới “chết”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em, để diêm dân sống được với nghề và thương hiệu muối Sa Huỳnh không "chết", Nhà nước nên có giá sàn quy định cho muối, giống như giá sàn của lúa ở Nam Bộ, đảm bảo diêm dân có lợi nhuận 30%. Phục hồi Nhà máy chế biến muối Sa Huỳnh để tiêu thụ muối cho diêm dân. Đồng thời, hỗ trợ vốn để người dân đầu tư hạ tầng đồng muối, làm nền ximăng, lót bạt để tăng sản lượng và chất lượng.
"Giải cứu" muối Sa Huỳnh
Trước thực trạng diêm dân Sa Huỳnh đang bỏ nghề muối và nguy cơ cái tên muối Sa Huỳnh sẽ bị xóa sổ, mới đây UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng muối Sa Huỳnh, giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Việc quy hoạch nhằm tổ chức lại sản xuất, tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất muối, từng bước chuyển đổi sản xuất muối truyền thống sang sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống diêm dân đảm bảo ngang bằng với các ngành nghề khác.
Theo đó sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã muối, gắn sản xuất với chế biến, đa dạng hóa sản phẩm muối, xây dựng mạng lưới tiêu thụ và nâng cao giá trị hạt muối, nâng thu nhập bình quân của hộ diêm dân từ 8,7 triệu đồng/năm hiện nay lên 22,4 triệu đồng/năm vào năm 2020 và đến năm 2025 tăng lên 29,3 triệu đồng/năm.
Rất ít ruộng muối được đầu tư làm muối sạch, do kinh phí quá lớn dẫn đến muối Sa Huỳnh chất lượng không cao. |
Được biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2025 cho vùng muối Sa Huỳnh 94,8 tỷ đồng, trong đó đầu tư phát triển sản xuất 38,3 tỷ đồng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng gần 56,5 tỷ đồng. Ngoài ra tỉnh cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh muối Sa Huỳnh giai đoạn 2017- 2020, trong đó chủ yếu hỗ trợ kinh phí cho diêm dân áp dụng phương pháp sản xuất muối sạch trên nền vật liệu mới, sử dụng mái che mưa trên ô kết tinh và kinh phí mua sắm thiết bị sơ chế, công nghệ chế biến muối.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC