Bất cập trong công tác hỗ trợ sản xuất từ Dự án Hồ chứa nước Nước Trong

05:03, 03/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Cấp đất ruộng nhưng không sản xuất được, hỗ trợ phân bón để cải tạo đất ruộng nhưng người dân đành bỏ phí vì không biết bón vào đâu… đó là những bất cập từ dự án Hỗ trợ sản xuất thuộc Dự án hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong, khiến nhiều người dân được hỗ trợ bức xúc.

TIN LIÊN QUAN

Nhận đất để… bỏ hoang
 
Dù đã được cấp đất ruộng để canh tác lúa nước, thế nhưng từ khi nhận ruộng đến nay, những hộ dân thuộc diện tái định cư do ảnh hưởng của Dự án Hồ chứa nước Nước Trong ở Khu tái định cư Cà La (TĐC), thôn Trà Veo, xã Trà Xinh (Tây Trà) chưa một ngày canh tác trên những thửa ruộng này. Bởi diện tích  ruộng được cấp quá cằn cỗi và thiếu nước để sản xuất không đủ điều kiện canh tác lúa nước được. Chính vì vậy, từ năm 2013 đến nay, gần 2ha ruộng lúa nước được Ban quản lý dự án hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong cải tạo để cấp cho người dân rơi vào tình cảnh bỏ hoang. 
 
Nhìn những thửa ruộng ruộng bậc thang mọc đầy cỏ dại ngay phía trước UBND xã Trà Xinh, ông Đinh Văn Bài ở Khu TĐC Cà La, thôn Trà Veo nói trong xót xa: Nhà tôi được cấp 552m2 đất ruộng để sản xuất lúa nước, nhưng do đất được cấp quá cằn cỗi, toàn là sỏi đá, chẳng có chút bùn non hay đất thịt-thứ vốn có và phải có của mảnh ruộng lúa nước, hơn nữa lại không có nước tưới nên không thể canh tác. Dù thiếu đất sản xuất, nhưng tôi cũng đành phải bỏ hoang. 
 
Diện tích ruộng được BQL Dự án Hồ chứa nước Nước Trong cải tạo cấp cho người dân Khu TĐC Cà La
Diện tích ruộng được BQL Dự án Hồ chứa nước Nước Trong cải tạo cấp cho người dân Khu TĐC Cà La.

 

Do không canh tác được, bỏ hoang lâu này nên diện tích này cò dại mọc um tùm
Do không canh tác được, bỏ hoang lâu này nên diện tích này cò dại mọc um tùm.
 
Không riêng gì ông Bài mà 30 hộ dân ở Khu TĐC Cà La được cấp đất ruộng để canh tác đều rơi vào tình cảnh tương tự. Thiếu đất trồng lúa nước, hầu hết người dân trong Khu TĐC phải  mua gạo để lo bữa ăn từng ngày.
 
Ông Đinh Thế Hùng- Bí thư Đảng ủy xã Trà Xinh cho biết: Do diện tích ruộng bậc thang được cải tạo có độ dốc lớn, độ phì lại kém, trong khi đó,công trình thủy lợi do Ban Quản lý dự án hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong xây dựng để cung cấp nước tưới cho những diện tích ruộng này đã hư hỏng, nên người dân không thể tổ chức sản xuất. Điều này đã đang khiến đời sống của những hộ dân bị mất đất bởi dự án chồng chất khó khăn. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để hỗ trợ người dân ở các Khu tái định canh, định cư thuộc Dự án Hồ chứa nước Nước Trong có đất ruộng để sản xuất lúa nước, Ban Quản lý dự án hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong đã tiến hành cải tạo diện tích 10,24ha để cấp cho 215 hộ dân. Trong đó, Khu TĐC Cà La xã Trà Xinh 1,9ha, Khu TĐC Giờ Lao xã Trà Phong 1,2ha, các Khu TĐC xã Trà Thọ gồm Sờ Lác, Suối Y và Bắc Nguyên 2 được cấp 7,13ha.  Hiện, hầu hết diện tích đất ruộng này đã được giao cho các hộ dân. Tuy nhiên, phần lớn diện tích ruộng được cấp đều không thể canh tác được.
 
Ông Tiêu Viết Phương- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thọ cho biết: Cũng giống như thực trạng ở các địa phương khác, phần lớn diện tích ruộng Ban Quản lý dự án hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong cấp cho bà con ở các Khu TĐC trong xã cũng không thể trồng cây lúa nước, với lý do chung là không có đủ nguồn nước tưới và đất quá bạc màu, cằn cỗi.  
 
Trước tình trạng trên, xã đã báo cáo lên huyện để huyện có hướng chỉ đạo xử lý phù hợp. Đồng thời, tiến hành tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đối với những diện tích ruộng thiếu nước. Nhưng do tập tục canh tác lâu nay của người dân nên việc chuyển đổi cũng cần có thời gian lâu dài.  
 
Cấp phân bón… để làm cảnh
 
Điều khá nghịch lý, trong khi diện tích ruộng được cấp không đủ điều kiện để canh tác ruộng lúa nước nhưng Ban Quản lý dự án hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong vẫn tiến hành hỗ trợ phân bón cho người dân với số lượng lớn nhằm mục đích cải tạo đất theo như phương án đã được đề ra trước đó. Chính vì vậy, khi người dân nhận phân về,  các hộ dân không biết bón vào đâu, đành phải để  ở trước sân nhà, mặc cho mưa nắng làm hư hại. 
 
Đưa tay chỉ những bao phân được chất đống trước nhà, ông Hồ Văn Thông (50 tuổi) tổ 1 thôn Tây, xã Trà Thọ  cho biết: Nhà tôi nhận được 100 bao phân, nhưng nhận về không biết dùng để làm gì, bởi người dân chúng tôi đâu có ruộng đâu mà dùng phân. Hơn nữa, diện tích ruộng được Ban Quản lý Dự án Hồ chứa nước Nước Trong cấp cho chúng tôi không có nước thì sao mà sản xuất được, người dân chúng tôi cũng không có nhiều đất để canh tác các loại cây trồng khác nên phân bón chúng tôi nhận về đều bỏ đó. 
 
Người dân nhận phân bón về để mặc cho mưa, nắng làm hư hỏng
Người dân nhận phân bón về để mặc cho mưa, nắng làm hư hỏng

 

Cũng như gia đình ông Thông, hiện tại nhiều hộ gia đình khác ở ở các Khu TĐC ở xã Trà Thọ, Trà Xinh được nhận phân hỗ trợ đều rơi vào tình cảnh tương tự. Hầu hết, gia đình nào nhận phân về cũng chất cả đống trước nhà. Số thì để trong hiên, số thì bỏ nằm lăn lóc ngoài sân. Thậm chí, một số hộ còn tận dụng những bao phân để làm bậc tam cấp lên xuống trước nhà. Và hàng trăm bao phân sau nhiều ngày phơi nắng, dầm mưa, nhiều bao bị toác vỡ, đổ đầy ra đất.
 
Đang dùng dây cột lại những bao phân bị vỡ toác ở trước sân, ông Hồ Văn Hảo ở thôn Tây, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà bày tỏ: Người dân chúng tôi nhận phân này từ mấy tháng nay rồi, nhưng nhận rồi chúng tôi cũng để đó thôi chứ biết làm gì đâu. Biết không dùng để hư hỏng là lãng phí, nhưng cũng đành chịu vì không có đất ruộng để sử dụng phân này, chỉ có đất rừng để trồng cây keo, mà từ hồi giờ, người dân chúng tôi có ai đem phân bón cho cây keo bao giờ đâu. 
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nay, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thọ Tiêu Viết Phương cho biết: Số phân bón này được Ban Quản lý Dự án Hợp phần Di dân tái định cư Hồ Chứa nước Nước Trong cấp cho các hộ thuộc diện nhận đất ruộng, đất vườn rừng để cải tạo đất cách đây mấy tháng trước. Trước khi cấp phân hỗ trợ, phía chủ đầu tư đã làm việc và trao đổi với chính quyền địa phương.
 
Việc cấp phân bón hỗ trợ để số hộ trên có điều kiện cải tạo đất sản xuất mới nhận, đặc biệt là đất trồng lúa là cần thiết. Tuy nhiên do phần đất ruộng vừa nhận thiếu nước, nên người dân không thể sử dụng nguồn phân này để cải tạo đất dẫn đến số phân bón mà người dân nhận chưa thể sử dụng nên thừa và còn chất đống tại nhà. 
 
Cần có phương án hỗ trợ linh hoạt
 
Theo số liệu mà chúng tôi tìm hiểu, thì huyện Tây Trà có tất cả 215 hộ được nhận phân bón gồm phân hữu cơ vi sinh và phân lân vi sinh, vôi nông nghiêp hỗ trợ từ chủ đầu tư dự án Hồ chứa nước Nước Trong, với số lượng trên 354 tấn, tổng số tiền khoảng  trên 1, 2 tỉ đồng. Trong đó xã Trà Thọ là 158 hộ, trên 287 tấn; còn lại là xã Trà Xinh 30 hộ với 60,46 tấn và xã Trà Phong 27 hộ nhận 7,12 tấn.
 
Với số lượng phân bón được cấp khá lớn, thay vì cấp theo từng đợt, từng mùa vụ thì theo phản ánh của người dân và chính quyển địa phương, Ban Quản lý Dự án Hồ chứa nước Nước Trong lại cấp luôn 1 lượt với số lượng phân quá lớn, có hộ nhận đến gần 200 bao phân cùng một lúc khiến các hộ dân cảm thấy “ngộp”. 
 
Đồng thời, theo phương án Hỗ trợ sản xuất đất ruộng và đất vườn Khu tái định canh trên địa bàn huyện Tây Trà , Ban Quản lý Dự án Hồ chứa nước Nước Trong sẽ phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tiến hành tập huấn, làm mô hình mẫu, hướng dẫn người dân về phương pháp canh tác trên đất dốc, kỹ thuật bón phân để cải tạo đất. Tuy nhiên, thực tế theo phản ánh của người dân và chính quyền địa phương từ khi cấp phân đến giờ đã mấy tháng trôi qua, song vẫn chưa có lớp tập huấn, hướng dẫn nào cho người dân.  Điều này đã gây khó cho người dân, bởi tập tục canh tác từ xưa nay của người dân chưa quen sử dụng phân bón để canh tác.
 
>>Xem video:
 
 
 
Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND Tây Trà Đỗ Đình Phương cho biết: Để số phân bón được cấp còn lại không bị hư hỏng, trước mắt, địa phương sẽ vận động người dân, những hộ có điều kiện bảo quản tốt thì bảo quản, còn số hộ dân không bảo quản được thì chính quyền địa phương phải có hướng thu gom lại, che bạt tạm thời để bảo quản tập trung.
 
Đồng thời, kiến nghị và phối hợp với chủ đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống cung cấp nguồn nước tưới cho số diện tích đất ruộng đã cấp cho dân để người dân có điều kiện canh tác, phát triển kinh tế. 
 
Ông Phương cũng cho biết, huyện cũng sẽ có kiến nghị với Ban quản lý Hồ chứa nước Nước Trong, thời gian tới cần nghiên cứu linh hoạt trong việc cấp hỗ trợ sản xuất cho người dân cần phù hợp với điều kiện sản xuất cũng như tập quán sản xuất của người dân để người dân sử dụng nguồn hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng lãng phí như việc cấp phân bón này. 
 
Thiết nghĩ, việc cấp đất ruộng, hỗ trợ phân bón để người dân vùng TĐC phát triển sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng là chủ trương hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, để tránh sự lãng phí này, trong thời gian tới, chủ đầu tư cần phải thay đổi phương thức hỗ trợ phù hợp mới mong giúp người dân miền núi ở vùng TĐC có động lực để vươn lên phát triển kinh tế, xóa nghèo  bền vững.
 
Bảo Ngọc
 

.