(Baoquangngai.vn)- Những năm qua, bãi bồi bên dòng sông Trà Bồng không chỉ tạo ra cảnh quan đẹp cho thị trấn Châu Ổ mà còn mang lại những giá trị kinh tế đáng kể cho các hộ dân sống dọc dòng sông.
TIN LIÊN QUAN
Từ bao đời nay, cuộc sống người dân sống dọc các dòng sông luôn được ôm ấp, bao bọc và nuôi dưỡng bằng phù sa, cho mùa màng tươi tốt, cây cối sinh trường. Cuộc sống của người dân dần ấm no hơn. Hình ảnh của những bãi bồi phù sa màu mỡ từ lâu đã trở thành hình ảnh mang vẻ đẹp gần gũi với cuộc sống, quê hương.
Sau những ngày Tết, tại bãi bồi dưới sông Trà Bồng, thuộc tổ dân phố 5, thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn) người dân phấn khởi, bận rộn với các công đoạn chăm sóc hoa màu.
Từ trên cầu châu Ổ, nhìn xuống phía bờ Nam dòng sông, những luống củ cải trắng, ớt, cải lá, xà lách một màu xanh mướt rượt, lấn át cả màu trắng bạc của dòng nước. Người lớn, trẻ nhỏ tíu tít làm cỏ, tưới nước, bón phân. Cả một dải bờ kéo dài trong khoảng 2km rộn rã tiếng cười, cứ như nơi mọi người đang làm là tấc đất yên bình, mang lại ấm no cho gia đình.
Một màu xanh mướt của các loại hoa màu được hình thành ở bãi bồi sông Trà Bồng. |
Còn với ai đi ngang cầu lại “thòm thèm”, như muốn chạy vội xuống xin vài bó rau về chế biến liền các món ăn đơn giản, đỡ ngán thịt trong những ngày xuân như: mì tôm rau xanh, thịt luộc cuốn bánh tráng với xà lách, canh cải ngọt...
Ông Huỳnh Tấn Ly, 65 tuổi, ở tổ dân phố 5, thị trấn Châu Ổ, một hộ trồng rau nổi tiếng lâu năm tại đây cho biết, bãi bồi này hình thành hơn 20 năm qua. Từ thuở ban đầu, một nhóm người dân đã tận dụng những ụ đất nhô lên bên bờ dòng sông để canh tác.
Hoa màu chủ yếu được canh tác từ thời điểm chớm đông cho đến đầu mùa lũ năm sau. Bởi đây là lúc lũ đi qua, thiên nhiên sẽ ban tặng cho đất với những mảng phù sa lắng đọng, bùn non nhô lên mịn láng cả triền sông. Nhiều người xem như là lộc của trời.
Đó là điều dễ hiểu, bởi cây trồng phải đi đôi với thời vụ, hơn nữa kinh nghiệm làm nông mách bảo họ phải gieo hạt xuống lúc độ ẩm trong đất đang độ chín mùi nhất. Nơi lòng đất tốt sẽ chẳng mấy chốc mầm non bung ra xanh rờn ngợp trời.
Người dân thường chọn cây ớt là cây trồng chủ lực ở bãi bồi này. |
“Trước đây, bãi bồi này không được phì nhiêu như bây giờ đâu, cũng thường hay có cát phủ lấp nhưng nhờ cần cù, chăm chỉ bón phân thường xuyên nên đất màu mỡ hơn, trồng cây gì cũng tươi tốt hẳn lên. Vào mùa khô thiếu nước thì mình đào giếng rồi kéo điện từ khu dân cư ra để phun tưới cho tiện”, ông Ly nói.
Nhà ông Ly có 5 sào ớt, hoa màu các loại. Ớt thường được gieo tháng 11 nhưng do năm nay mưa lũ kéo dài nên đến tận cuối tháng Chạp ông mới tự tin xuống giống, đến khoảng tháng 3 Âm lịch là thu “quả ngọt”.
Vì chủ yếu là trồng hoa màu nên cứ xong một vụ, nhận thấy thời tiết thuận lợi sẽ tiếp tục xuống giống, đến mùa nước lũ dâng cao thì dừng hẳn. Các loại rau như xà lách, cải ngọt… được trồng đan xen cùng ớt theo kiểu lấy ngắn nuôi dài.
“Mỗi vụ ớt, tôi kiếm được hơn 15 triệu đồng, là nguồn thu nhập chính để trang trải trong gia đình, chứ vài sào ruộng ở nhà chủ yếu bỏ công lấy lời thôi. Tiền thu được từ các loại rau xanh thì được dùng để đầu tư giống, phân bón cho cây ớt”, ông Ly bật mí.
Xà lách được trồng xen ớt. Nguồn thu từ các loại rau ngắn ngày như xà lách, cải ngọt được người dân bù vào chi phí đầu tư cho ớt. |
Không chỉ đơm “quả ngọt” với củ nhiều tinh bột, rau tươi xanh, sạch, ớt thì cho nhiều quả mà trồng hoa màu ở đây còn rất tiện do gần chợ. Cách chợ Châu Ổ có “chục sải chân” nên việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, thuận lợi, không bao giờ có tình trạng ùn ứ.
“Vì tiện lợi đủ thứ, rau lại ngon, an toàn nên nhiều chị bán rau đã đặt hàng từ khi gieo giống, đầu ra cũng như việc vận chuyển rau rất thuận lợi”, ông Lê Minh Triết, một người có 3 sào ớt, hoa màu ở bãi bồi chia sẻ.
Biết "thương lái” chủ yếu là người hàng xóm, người quen biết buôn bán ở chợ, còn người tiêu thụ chủ yếu là dân trong huyện nên vấn đề về an toàn thực phẩm càng được người trồng rau ở bãi bồi đặt lên hàng đầu, hạn chế phun thuốc trừ sâu và các loại thuốc kích thích cây sinh trưởng.
Ông Phạm Quang Thái- Chủ tịch UBND thị trấn Châu Ổ, cho biết: “Tại khu khu vực này có khoảng 23 hộ canh tác trên 1,6 ha trồng rau màu xen ớt. Các hộ dân chủ yếu là hộ nông dân làm nông nghiệp ở thị trấn Châu Ổ, xã Bình Thới ít đất ruộng, những người không có việc làm ổn định. Thị trấn nhiều năm nay đã tạo điều kiện cho người dân thuê đất với giá thấp nhất để động viên các hộ dân không bỏ đất phí”.
“Trong những năm qua, ớt, cùng các loại rau - củ - quả được trồng ở bãi bồi phát triển rất tốt; cho năng suất và giá trị thu nhập cao. Đời sống các hộ dân cải thiện phần nào, trong khi diện tích đất nông nghiệp ở thị trấn ít ỏi, chỉ còn khoảng 38ha do bị thu hồi để đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn”, ông Thái nói thêm.
Bài, ảnh: Thiên Hậu