(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, cau được giá, sản lượng thu hoạch cao, nên nhiều hộ dân ở các xã Hành Trung, Hành Đức (Nghĩa Hành) có nguồn thu nhập khá nhờ vào loại cây này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Không tốn công lại dễ làm giàu
Hơn 3 năm nay, gần 1ha cau của vợ chồng chị Phan Thị Thanh Lệ (46 tuổi) thôn Hiệp Phổ Tây, xã Hành Trung cho thu nhập gần 300 triệu đồng. Cứ một năm cây cau cho 3 – 4 lứa quả, nên việc thu hoạch cũng diễn ra xuyên suốt trong năm. Đặc biệt, những năm trở lại đây, giá cau tăng “đột biến” và ổn định, nên kinh tế của các hộ trồng loại cây này cũng trở nên khá giả hơn rất nhiều.
"Trồng cau không tốn công sức gì nhiều, chỉ lâu lâu bón vài ký phân u rê, phân chuồng là nó tự sinh trưởng, phát triển và cho trái. Đến lúc thu hoạch, người đi mua cũng tự trèo lên cây hái rồi cân ký chở đi, mình cũng chẳng mất công làm gì hết”, chị Lệ chia sẻ. Một phần căn nhà khang trang của vợ chồng chị Lệ cũng nhờ số tiền bán cau mà gầy dựng lên được.
Thời gian qua, giá cau tăng cao và ổn định giúp cho nhiều hộ dân ở huyện Nghĩa Hành có thu nhập cao. |
Ông Trần Văn Thiện – Phó Chủ tịch UBND xã Hành Trung cho biết: Nguồn thu nhập cao từ cây cau giúp rất nhiều hộ gia đình ở Hành Trung phát triển kinh tế. Mặt khác, cau là loại cây trồng dễ thích nghi với các điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, công chăm sóc không nhiều, nên rất thích hợp với nhiều hộ dân. Vì lẽ đó mà thời gian gần đây, rất nhiều địa phương đang phát triển thêm diện tích cau”.
Giá cao, tăng diện tích
Hiện nay, nhiều người dân ở Hành Trung, Hành Đức xem cây cau là cây trồng chính, bởi lợi nhuận nó mang lại gấp hai, ba lần so với những loại cây trồng khác. Việc trồng, chăm sóc loại cây này cũng không tốn công sức, nên được nhiều người ưa chuộng. Thế nên hai năm trở lại đây, diện tích cây cau ở các địa phương này lên đến hơn 150ha.
Ông Phan Ninh – Chủ tịch xã Hành Đức cho hay: “Năm 2016, tổng diện tích cau ở Hành Đức là 70ha, tăng hơn 20ha so với năm 2012. Giờ đây cây cau có giá trị kinh tế rất cao, cho lợi nhuận gấp đôi, gấp ba các cây trồng khác, nên người dân tiến hành mở rộng diện tích trồng cau. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không khuyến khích việc trồng thêm loại cây này, bởi giá cả của nó phụ thuộc rất lớn vào thị trường, vì thế mức độ rủi ro cũng cao, nên chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền và vận động để người dân hiểu về vấn đề này”.
Khoảng ba năm trở lại đây, giá cau tăng và ổn định giúp kinh tế nhiều hộ gia đình trồng cau được cải thiện. Tuy nhiên, giá mua bán lại phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, nhất là thị trường Trung Quốc, nên cũng thiếu sự ổn định về lâu dài. Vì thế chính quyền và nông dân các địa phương cần cân nhắc kỹ trước khi đầu tư trồng đồng loạt loại cây này.
Bài, ảnh: MẠNH KHOA