"Sốt" cau ở xứ ngàn cau

01:09, 07/09/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Sơn Tây là huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi được mệnh danh là xứ ngàn cau. Nơi đây có những chuyện khá ly kỳ: Thương lái thu mua cau non rồi… đổ bỏ, chủ vườn dùng dây thép gai quấn quanh thân hay gắn dao lam vào thân cau để phòng ngừa kẻ gian trộm cau.

TIN LIÊN QUAN

Mua cau non rồi… đổ bỏ

Những ngày này, nhiều thương lái đổ xô về Sơn Tây thu mua cau vừa cứng hạt với giá 14.000 – 16.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với những năm trước. Sau đó, họ chuyển đến bán cho những cơ sở sơ chế trước khi xuất sang Trung Quốc. Tại những điểm thu mua ven đường đông Trường Sơn đoạn chạy qua huyện Sơn Tây khá nhộn nhịp. Đồng bào dân tộc thiểu số chở từng bao cau bằng xe máy dừng ngay bên đường bán cho thương lái. Nhiều người thở dài khi mỗi ký cau non vừa tượng hạt bị ép giá chỉ còn 2.000 đồng. Một thương lái bộc bạch: “Tụi tui mua cau như thế này để… trộn lẫn với cau cứng hạt rồi bán lại cho chủ lò luộc, sấy khô kiếm thêm ít lời”.

Thu mua cau ven đường
Thu mua cau ven đường


Mỗi ngày, lò luộc cau rồi sấy khô của bà Nguyễn Thị Kim Ánh ở xã Sơn Dung sơ chế khoảng 5 tấn cau tươi thành 1 tấn cau khô để xuất bán sang Trung Quốc. Sau khi thu mua cau tươi, bà thuê nhân công lựa bỏ những quả cau non trước khi cho vào lò. Và trước khi chuyển lên xe tải xuất bán lại tiếp tục loại bỏ những quả cau khô không đạt yêu cầu.

Lượng cau loại bỏ mất khoảng 1 tấn nên bà nhất quyết không thu mua cau non từ những chủ vườn mang đến bán với số lượng ít. “Lượng cau thương lái mang đến khá nhiều nên không lựa kịp đành phải mua giá rẻ rồi loại bỏ. Báo chí viết thu mua cau non xuất bán sang Trung Quốc nhưng không phải vậy. Cau không đạt yêu cầu họ nhất quyết không nhập, chở qua đến nơi phải tốn thêm tiền đổ bãi. Thông thường, mỗi năm lò của tôi hoạt động chừng 4 tháng. Nhưng nếu thu hái kiểu này thì chỉ hoạt động khoảng 2 tháng là hết sạch cau, nhà vườn chịu thiệt mà chủ lò sấy cũng không còn việc để làm” – bà nói.

 

Nhân công làm thuê cho bà Ánh đang luộc cau
Nhân công làm thuê cho bà Ánh đang luộc cau.


Một đồng nghiệp công tác tại Đài truyền thanh huyện cho biết: Do tư thương mua cau non rồi trộn lẫn với cau đạt yêu cầu để bán cho chủ lò sấy nên đồng bào dân tộc thiểu số cứ leo lên ngọn cây là hái trụi, bất kể giá cao – thấp. Cau lên giá nên một số thiếu niên hư hỏng hái trộm lấy tiền tiêu xài. Vì vậy, nhiều chủ vườn đành hái bán cau non với suy nghĩ “thà được ít tiền còn hơn không”.

 Anh Đinh Công Lập – Phó Phòng NN – PTNT huyện kể câu chuyện có lẽ chỉ xảy ra ở Sơn Tây: Vào năm 2007, giá cau ở mức cao nên xảy ra tình trạng mất trộm. Nhiều chủ vườn mua dây thép gai quấn quanh và dao lam gắn vào thân cau để phòng ngừa kẻ gian.

Thăng trầm phận cau

Ở tuổi 78, cụ Đinh Văn Nhú khá minh mẫn kể rành rẽ chuyện cây cau gắn bó với người dân Sơn Tây. Theo lời cụ thì cau gắn bó với người Sơn Tây từ thuở lọt lòng đến khi lìa đời về với tổ tiên. Thân cau già rắn chắc dùng làm cột nhà, làm kho chứa lúa. Lá cau lợp mái nhà che mưa nắng qua những ngày ấm lạnh. Mo cau dùng làm ly uống nước, làm chén ăn cơm và mang cơm nắm trong những ngày trèo đèo, lội suối. Quả cau được bán, trao đổi những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống.

Nhờ gần 8ha cau mà cụ đã nuôi được 6 người con ăn học trưởng thành. Giờ cụ đã chia đều diện tích trồng cau cho các con, chỉ giữ lại gần 2ha dưỡng già. “Do giá cả bấp bênh nên tụi nó đốn hạ cau chuyển sang trồng khoai mì và keo lai. Tiếc lắm! Nhưng cũng đành chịu” – cụ thở dài tiếc nuối.

Cụ Đinh Văn Đuối – Nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Sơn Tây cho biết: Thuở trước, cây cau đã giúp nhiều người có cuộc sống no đủ, mua được cả máy thu thanh rất nhiều tiền.

Năm 2009, vườn cau của gia đình cụ ở ngót Làng Ren (đồi Làng Ren) hơn 100 gốc được tư thương thu mua trái với giá 30 triệu đồng. “Giá cau lên xuống thất thường, có lúc trái chín rụng đầy gốc chẳng có người mua nên nhiều người đốn hạ. Dù vậy, tôi vẫn giữ cau vì đây là loại cây truyền thống gắn bó lâu đời. Nếu như ở Sơn Tây có nhà máy chế biến thì cau sẽ có giá cao và ở mức ổn định. Người dân chắc chắn sẽ trồng nhiều cau hơn nữa” – cụ nói.

Anh Đinh Công Lập cho biết: Có thời điểm diện tích cau trong toàn huyện lên đến hơn 13.000ha. Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh nên nhiều người dân chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác. Hiện giờ, diện tích cau còn khoảng 9.000ha.

Thời gian qua, Phòng NN – PTNT huyện phối hợp với các đơn vị chức năng mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cau. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích người dân trồng cau, phấn đấu đến năm 2020 đạt 15.000ha. “Chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo huyện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cau trên địa bàn. Qua đó, sẽ góp phần tiêu thụ và giữ mức giá ổn định, giúp người dân yên tâm gắn bó và làm giàu từ cây cau” – anh nói.

Trang Thy
 


.