Kiệu, ớt tăng giá kỷ lục trước Tết

05:01, 16/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Sản phẩm thuộc nhóm gia vị là ớt trái và củ kiệu hiện đang được bán rất chạy trên thị trường dịp giáp Tết. Khác với mọi năm, năm nay vì thời tiết không thuận lợi nên hai giống cây này bị sâu bệnh, năng suất thấp, nhưng bù lại đang có giá tăng cao kỷ lục.
Kiệu thu hoạch cung không đủ cầu
 
Hiện đang là thời điểm vào mùa thu hoạch kiệu sôi động nhất ở các cánh đồng kiệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tại xã Bình Long (Bình Sơn)- nơi có diện tích trồng kiệu lớn nhất tỉnh, các hộ nông dân cũng đang tích cực dành phần lớn thời gian trong ngày ở ngoài đồng kiệu.

 

Thời điểm này, các hộ nông dân trồng kiệu đang tích cực vào vụ thu hoạch bán cho thị trường dịp Tết
Thời điểm này, các hộ nông dân trồng kiệu đang tích cực vào vụ thu hoạch bán cho thị trường dịp Tết
 
So với những năm trước, cây kiệu nguyên liệu bị sâu bệnh và thời tiết không thuận lợi, nên năng suất kiệu bị giảm đi hơn một nửa. Gia đình bà Nguyễn Thị Thơm ngụ thôn Long Yên, xã Bình Long đầu tư 2 sào kiệu cũng chỉ thu về hơn 1 tấn thay vì 2-2,5 tấn như những năm trước.
 
Tuy nhiên, nếu so với các loại cây trồng khác thì cây kiệu vẫn cho thu nhập cao hơn. Bởi, giá kiệu Tết thu mua tại ruộng đang ở mức 20-25 nghìn đồng/kg, tăng gấp 4 lần. “Chưa bao giờ kiệu lại mất mùa như năm nay. Cũng dễ hiểu thôi vì mưa liên tục cả tháng trời khiến cho cây kiệu không có điều kiện lớn khỏe. Nhưng được cái, giá năm nay tăng hơn nhiều so với mọi năm”- bà Thơm bộc bạch.
 
Với giá thành kiệu nguyên liệu như hiện tại, các hộ nông dân thu lãi khoảng 6-8 triệu đồng/sào. Đây là số tiền không nhỏ đối với những hộ dân vùng nông thôn để họ có thể mua sắm, trang trải cho dịp Tết sắp đến.
 
Toàn huyện Bình Sơn có hơn 100ha trồng kiệu, tập trung chủ yếu ở xã Bình Long và Bình Phước. Giá kiệu tăng cao là vậy, nhưng số lượng kiệu thu hoạch ở thời điểm hiện tại vẫn không đủ bán cho thương lái. Hiện có rất nhiều thương lái phải xếp hàng, đặt trước nhiều ngày mới có thể mua được để đem đi phân phối cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Kip được bán tại ruộng với giá tăng gấp 4 lần so với năm trước nhưng vẫn được thương lái xếp hàng thu mua
Kip được bán tại ruộng với giá tăng gấp 4 lần so với năm trước nhưng vẫn được thương lái xếp hàng thu mua
 
“Kiệu mất mùa nên năng suất giảm, chúng tôi đến tận ruộng thu mua nhưng vẫn phải chen chúc, đặt hàng bà con. Nhiều lúc chậm chân thì không còn kiệu để mua nữa”- Anh Trần Hữu Trí- thương lái mua kiệu cho biết.
 
Ớt trái khan hiếm, giữ giá cao
 
Ngoài cây kiệu nguyên liệu, sản phẩm ớt trái các loại cũng là một trong những cây gia vị có sức mua tăng cao vượt trội trong những ngày gần đây. Mặt hàng ớt năm nay cũng vô cùng khan hiếm. Giá bán tại ruộng cho thương lái là 80.000 đồng/kg. Ớt bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm trước.
 
Do thị trường tiêu thụ mạnh, thương lái khắp nơi tranh giành nhau mua. Thậm chí, họ còn về tận ruộng thu mua, nên giá ớt đẩy lên cao và giữ mức ổn định. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi nên diện tích ớt thu hoạch vào thời điểm cận Tết ở các huyện Bình Sơn, TP.Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Mộ Đức đã giảm đi đáng kể. Nhiều hộ nông dân không có ớt bán dịp này, mặc dù giá đang tăng cao.

 

Hiện có rất ít ruộng ớt có trái thu hoạch vào đúng dịp giá ớt đang tăng cao
Hiện có rất ít ruộng ớt có trái thu hoạch vào đúng dịp giá ớt đang tăng cao
 
“Những năm trước, trúng mùa ớt thì giá ớt giáp Tết chỉ vào khoảng 50 nghìn đồng. Nhưng năm nay, giá tăng gấp 3 lần thì ruộng ớt nhà tôi bị nước lũ làm dập hư sạch. Xuống giống mấy lần rồi mà lần nào cũng thất bại”- Bà Phạm Thị Phố ngụ ở thôn Ân Phú, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) than thở.
 
Do vậy, để cung cấp cho thị trường Quảng Ngãi dịp giáp Tết, các thương lái đã nhập sản phẩm ớt trái từ các địa phương khác về với giá thành khá cao. Bà Phạm Thị Thu Thủy- thương lái buôn ớt cho hay: Mỗi ngày, tôi phải nhập 10-15 tấn ớt từ các tỉnh phía trong về bỏ mối cho các chợ.
 
Năm nay, ngoài hai mặt hàng kiệu và ớt bị mất mùa, nhiều mặt hàng rau xanh khác cũng sẽ tăng giá cao dịp giáp Tết do tình trạng khan hiếm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này dự kiến sẽ tăng mạnh dịp cận Tết.
 
Bài, ảnh: Thiên Vương
 

 


.