(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có 8 chiếc tàu vỏ thép. Tuy nhiên, vì không có nơi neo đậu nên thay vì cập cảng nhà, các chủ tàu vỏ thép đành cho tàu đậu nhờ cảng địa phương khác và gặp rất nhiều khó khăn...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Một cảnh hai quê
Mùa mưa bão năm 2016, nhiều chủ tàu vỏ thép trong tỉnh đã rất vất vả để tìm nơi tránh trú. “Trong tỉnh không có khu neo đậu trú bão cho tàu vỏ thép, nên tôi phải đưa tàu ra cảng Thọ Quang (Đà Nẵng) để neo trú. Cực chẳng đành chứ đi ở nhờ vừa không yên tâm, vừa tốn kém thời gian và chi phí”, ngư dân Phạm Trí Thức, thôn Kỳ Ân, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết.
Trong khi đó, ngư dân Võ Thanh Hồng, thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ cũng rất chật vật mới tìm được nơi tránh trú an toàn cho con tàu vỏ thép trị giá trên 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, không yên tâm để con tàu ở một mình tại cảng Thọ Quang, nên ông Hồng phải túc trực trên tàu. Riêng đợt mưa lũ từ ngày 29.11-17.12, ông Hồng bám trụ tại cảng Thọ Quang để trông chừng “đứa con” của mình.
Tàu vỏ thép dài, công suất trên 800Cv nên các cảng cá và khu neo đậu trú bão trong tỉnh không đảm bảo an toàn. |
Theo chia sẻ của ngư dân Võ Thanh Hồng, khi đóng tàu vỏ thép, ông cứ ngỡ sẽ vào neo đậu trú bão tại cảng Sa Kỳ. Song, mặc dù tàu vào được luồng cảng, nhưng việc neo đậu không đảm bảo an toàn. Vì vậy, sau lễ hạ thủy, tàu ông Hồng chưa một lần được trở lại cảng nhà. “Tôi thường đậu tàu tại cảng Thọ Quang, rồi bắt xe về thăm nhà một lát rồi lại ra trông chừng tàu. Biết rằng làm như thế sẽ tốn kém thời gian và chi phí, nhưng tôi không yên tâm để lại tài sản của mình nơi đất khách nên phải chấp nhận", ông Hồng cho hay.
Mong có nơi neo đậu an toàn trong tỉnh
Ngư dân cho rằng, giá trị mỗi con tàu vỏ thép quá lớn, trên 10 tỷ đồng; cộng với việc sửa chữa, làm nước khó khăn nên họ rất lo nếu xảy ra sự cố. Trong đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 30.11-17.12.2016, dù neo đậu an toàn ở cảng Thọ Quang, nhưng hầu như các chủ tàu vỏ thép đều túc trực trên tàu. “Mưa to gió lớn, lại ở cảng bạn nên lỡ tàu bị va đập hoặc ướt máy thủy thì ôm nợ. Vì ngoài chi phí đắt đỏ, việc sửa chữa còn tốn rất nhiều thời gian do phải đưa tàu vào các cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh hoặc tỉnh Khánh Hòa”, ngư dân Phạm Trí Thức lý giải.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá là: Sa Huỳnh, Mỹ Á, Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa và Lý Sơn. Tuy nhiên, điểm chung của các cảng cá này được quy hoạch xây dựng phục vụ tàu vỏ gỗ công suất dưới 500CV. Trong khi đó, tàu vỏ thép vừa rộng vừa dài, công suất lại từ 800CV trở lên, nên không đảm bảo an toàn khi vào neo đậu các cảng trên. Hơn nữa, các âu thuyền, cảng cá và khu neo đậu trú bão trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên bị bồi lấp luồng lạch nên tàu gỗ công suất trên 500CV ra vào đã khó khăn, huống chi tàu vỏ thép.
Ngoài ra, việc xây dựng cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền cũng thiếu đồng bộ. Đơn cử như cảng cá Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi). Dù được đầu tư xây dựng bài bản các công trình hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hậu cần nghề cá, nhưng khu vực này không có nơi neo đậu trú bão. Theo ý kiến của nhiều ngư dân thì, cảng cá Tịnh Kỳ hội đủ điều kiện để xây dựng khu neo đậu trú bão cho tàu công suất lớn. “Nếu có khu neo đậu, tàu về cảng Tịnh Kỳ để vừa tránh trú, vừa thu mua sản phẩm nên rất thuận lợi”, ngư dân Phạm Trí Thức, xã Tịnh Kỳ cho biết.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hiền - Trưởng Phòng kế hoạch quản lý công trình, Ban quản lý các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá Quảng Ngãi (BQL các cảng cá) cho tàu rằng, kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa các cảng cá và khu neo đậu trú bão quá lớn, vượt quá khả năng của BQL các cảng cá. Vì vậy, BQL các cảng cá cũng đã kiến nghị các ngành chức năng quan tâm đầu tư việc nạo vét, thông luồng cũng như nâng cấp các cảng cá và khu neo đậu trú bão, nhằm đáp ứng nhu cầu của ngư dân.
Bài, ảnh: MỸ HOA