(Báo Quảng Ngãi)- Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là hạ tầng phục vụ sản xuất. Hiện nay, các ngành chức năng và nông dân trong tỉnh tập trung khắc phục và sửa chữa kênh mương, công trình thủy lợi đảm bảo tiến độ sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sửa kênh, tái tạo đất...
Trong khi nông dân tất bật ra đồng dọn vệ sinh, làm đất để chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân thì chính quyền địa phương và các ngành chức năng lại tập trung sửa chữa, khắc phục kênh mương, công trình thủy lợi bị hư hỏng.
Tại các tuyến kênh B2 Núi Ngang, kênh chính Thạch Nham... đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đã huy động phương tiện và lực lượng để nạo vét, gia cố một số điểm bị sạt lở, bồi lấp, đảm bảo từ ngày 25.12 mở nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nhung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi thì số lượng và mức độ hư hỏng của kênh mương, công trình thủy lợi trên 30 tỷ đồng. “Vì vậy, việc khắc phục, sửa chữa chỉ thực hiện tạm thời. Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị các ngành chức năng xem xét, hỗ trợ kinh phí để sửa chữa và kiên cố hóa một số tuyến kênh”, ông Nhung cho hay.
Nông dân khẩn trương làm đất chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân. |
Với các địa phương, việc khắc phục sa bồi thủy phá đang trở nên cấp thiết. Tại huyện Nghĩa Hành, hàng trăm hécta đất bị sa bồi thủy phá nghiêm trọng. Nhiều diện tích có khả năng bị hoang hóa. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang, chính quyền và người dân các địa phương cũng đã nỗ lực tái tạo đất.
Theo báo cáo của UBND các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành, hạ tầng kênh mương, công trình thủy lợi và sa bồi thủy phá quá nặng, nên công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là khi các công trình hư hại vẫn còn bị ngập trong nước, nên việc sửa chữa thực hiện theo kiểu ngắt quãng, đứt đoạn. Vì vậy, nước Thạch Nham hiện cũng chỉ mở cầm chừng.
...và cung ứng giống
Đợt mưa lũ từ ngày 29.11 - 17.12 đã khiến hàng nghìn hécta lúa trà sớm ở các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Minh Long, Đức Phổ... bị hư hại hoàn toàn. Để khắc phục sản xuất, người dân các địa phương trên đã tiến hành làm đất ngay khi nước lũ rút. Song, vì thiếu giống nên bà con bị động trong việc gieo sạ lại.
Tại huyện miền núi Minh Long, trên 30ha lúa vụ đông xuân của người dân bị hư hại từ 30 - 100%. Trước thực trạng này, bên cạnh việc huy động máy móc hỗ trợ người dân khâu làm đất, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương còn tăng cường vận động người dân, mua và sử dụng các giống theo cơ cấu. Ông Lê Minh Chí - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Minh Long, cho rằng: “Lúa hư, giống thiếu nên rất dễ xảy ra tình trạng người dân sử dụng lúa thịt để gieo sạ. Vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, chúng tôi cũng mong UBND tỉnh xem xét hỗ trợ giống cho người dân càng sớm càng tốt”.
Chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ, các đơn vị kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp thực hiện chương trình “bán trước trả sau”. Còn những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống thì tăng cường cung ứng các loại giống lúa trung, ngắn ngày để đáp ứng nhu cầu người dân; đồng thời cam kết không tăng giá bán.
Theo Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi Đoàn Văn Nhân, năm nay lượng giống của đơn vị đáp ứng 50% nhu cầu sản xuất của nông dân trong tỉnh. Đến thời điểm này, toàn bộ lượng giống của đơn vị đã được cung ứng đến các đại lý và người dân. Đồng hành cùng Trung tâm Giống, Vietcombank - Chi nhánh Quảng Ngãi đã hỗ trợ người dân các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ và Bình Sơn 12 tấn lúa giống, 150 gói ớt giống, góp phần chia sẻ tình trạng “khát” giống của nông dân các địa phương trên.
Tuy nhiên, vì nước Thạch Nham không mở đồng loạt, cộng với tiến độ khắc phục và sửa chữa hạ tầng thủy lợi ở các địa phương khác nhau, nên để đảm bảo tiến độ sản xuất, Sở NN&PTNT cũng đã yêu cầu các địa phương khuyến khích nông dân tập trung làm đất để sẵn sàng xuống giống khi điều kiện cho phép.
Bài, ảnh: MỸ HOA