(Báo Quảng Ngãi)- Rủi ro do nuôi tôm trái vụ đã là bài học. Liên tiếp những năm gần đây, người nuôi tôm trái vụ trắng tay vì mưa lũ. Thế nhưng, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân ở Bình Chánh (Bình Sơn), Phổ Quang (Đức Phổ) vẫn nuôi tôm trái vụ, để rồi gặt cái kết đắng...
Đánh cược với trời
Thời gian nuôi tôm chính vụ thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm với tôm sú và từ tháng 3 đến tháng 8 với tôm thẻ chân trắng. Song, nhiều hộ dân đã không tuân thủ theo lịch thời vụ và thường thả nuôi thêm vụ tôm trái vụ ngay mùa mưa lũ.
Người nuôi tôm ở xã Bình Chánh bơm nước để làm sạch bùn đất bị nước lũ sông Trà Bồng cuốn vào hồ nuôi trong đợt mưa lũ vừa qua. |
Tại vùng chuyên nuôi tôm tại Vùng 2, xã Phổ Quang (Đức Phổ), đợt mưa lũ năm 2013, hệ thống đê kè, bờ đắp nuôi tôm bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng chục hồ nuôi tôm đều bị nước lũ bồi lấp mang theo bao tiền của, công sức của bà con nông dân. Song, năm nay, bất chấp bài học đắt giá đã phải trả trong năm 2013, người dân Phổ Quang lại tiếp tục thả nuôi tôm trái vụ.
Tại xã Bình Chánh, gần 20 nông dân tại vùng nuôi tôm đồng Đá Bia cũng chấp nhận đánh cược với trời để thả nuôi hơn 7ha tôm trái vụ. “Ai cũng biết nuôi tôm trái vụ sẽ chịu nhiều rủi ro do thời tiết bất lợi. Thời gian sinh trưởng của con tôm cũng kéo dài hơn. Nhưng, nếu như giá tôm chính vụ năm nay chỉ 130 nghìn đồng/kg, loại 53 con/kg, thì khi trái vụ, giá tôm có thể lên đến 230 nghìn đồng/kg. Tôm trái vụ được giá, nên chúng tôi mới cố gắng thả nuôi...”, ông Đoàn Phương Quang, người có thâm niên nuôi tôm 23 năm ở đồng Đá Bia chia sẻ.
Tiền trôi theo... lũ
Chạy theo giá tôm trái vụ, người nuôi tôm ở xã Bình Chánh đã phải trả giá đắt khi trong đợt mưa lũ vừa qua đã cuốn phăng toàn bộ tôm giống. Trắng tay khi 4 hồ tôm với tổng diện tích 1,1ha bị nước lũ cuốn trôi toàn bộ số tôm thả nuôi gần một tháng, ông Đoàn Phương Quang chua xót: “Chưa tính công sức và tiền thức ăn đổ vào, chỉ tính riêng tiền con giống thì coi như hơn 50 triệu đồng đã bị nước lũ cuốn sạch...”.
Thẫn thờ kể lại khoảnh khắc lũ sông Trà Bồng dâng cao, tràn qua hồ tôm và ngập luôn tuyến đường chính dẫn về thôn Mỹ Tân, anh Trần Hải Trung Hợp, chủ hồ tôm diện tích 1.500m2 ở đồng Đá Bia trầm ngâm: “Mấy năm nay, không thấy mưa lũ gì, nên tôi nghĩ nuôi trái vụ là ăn chắc. Ai mà ngờ...”, anh Hợp bỏ lửng câu nói.
Ông Nguyễn Văn Hưng- Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản Bình Chánh cho biết: Mặc dù có công bố lịch thời vụ và khuyến cáo người dân tuân thủ; song hầu như người dân chỉ làm theo thói quen, kinh nghiệm và chạy theo thời giá. Nuôi tôm trái vụ là “một ăn một thua”. Vì giá tôm trái vụ gấp đôi giá tôm chính vụ, nên người dân mới nhắm mắt nuôi liều. Mới năm ngoái, người nuôi tôm ở Bình Chánh đã chịu lỗ vì tôm bị dịch bệnh, thì năm nay, lại tiếp tục thất thu do lũ dữ...”. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang Huỳnh Xuân Bình cho hay, tuy vụ tôm trái vụ năm nay người nuôi tôm ở Phổ Quang may mắn không bị thiệt hại nặng nề như năm 2013, nhưng một số hộ dân cũng đã phải bán vội tôm non vì lo bị lũ cuốn. Hiệu quả kinh tế vì thế mà bị sụt giảm nhiều.
Thả tôm... thu nợ, tiền bạc, công sức đều trôi theo dòng nước lũ. Nhưng liệu những thiệt hại do nuôi tôm trái vụ năm nay cũng như những năm trước đã đủ để cảnh báo cho bà con nông dân?.
Bài, ảnh: Ý THU