Các dự án đầu tư xây dựng: Giải ngân chậm, nguy cơ mất vốn

08:12, 24/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản nợ dây dưa và không hoàn thành khối lượng đề ra, dẫn đến quyết toán, giải ngân không hết vốn. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, mà có nguy cơ bị Trung ương thu hồi vốn.

TIN LIÊN QUAN

Ứng nhanh - trả chậm

Đến nay, khi thời hạn thu hồi nợ tạm ứng xây dựng cơ bản đã hết thời hạn, nhưng lượng thu nợ không đáng kể. Theo thông báo của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 54 dự án nợ tạm ứng dây dưa, với tổng số tiền hơn 58 tỷ đồng. Trong đó, hơn 28 tỷ nợ tạm ứng xây lắp; gần 30 tỷ nợ tạm ứng giải phóng mặt bằng. Sau khi tỉnh yêu cầu thu hồi nợ, các chủ đầu tư quyết liệt thúc bách nhà thầu, song đến nay tiến độ thu hồi chưa đến 10 tỷ đồng.

Trong số nợ khó đòi, có một số gói thầu tạm ứng còn rơi vào tình trạng không thể đòi được như đường Ba Tơ - Ba Lế (hơn 3,4 tỷ đồng); đường Giá Gối - Mô Níc (hơn 2,1 tỷ); đường Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung (5 tỷ) và Trà Phong - Trà Ka (5,4 tỷ). Hiện UBND huyện Ba Tơ đã chuyển hồ sơ khoản nợ Dự án đường Ba Tơ - Ba Lế sang cơ quan chức năng yêu cầu xử lý hình sự, nhưng nhà thầu cho rằng, hành vi chưa hoàn trả vốn tạm ứng là hành vi dân sự. Và hiện tại tỉnh còn nợ nhà thầu này ở nhiều dự án khác số tiền hơn 10 tỷ, nên khi nào tỉnh thanh toán, nhà thầu sẽ hoàn trả cho huyện Ba Tơ.

Đường Giá Gối - Mô Níc (Sơn Hà) nhà bị tuyên buộc hoàn trả hơn 2,1 tỷ đồng nhưng đến nay chưa nộp lại; đường thì bỏ dở dang, người dân bức xúc.
Đường Giá Gối - Mô Níc (Sơn Hà) nhà bị tuyên buộc hoàn trả hơn 2,1 tỷ đồng nhưng đến nay chưa nộp lại; đường thì bỏ dở dang, người dân bức xúc.


Riêng đường Giá Gối - Mô Níc, ngày 25.11.2016, UBND huyện Sơn Hà đã gửi báo cáo lên UBND tỉnh và nêu rõ: UBND huyện Sơn Hà đã kiện nhà thầu Thiên Vũ ra tòa án. Tòa xử buộc nhà thầu hoàn trả hơn 2,1 tỷ đồng cho UBND huyện Sơn Hà từ tháng 2.2015, nhưng đến nay án chưa thi hành và khoản nợ này chưa thu hồi được. Riêng khoản nợ hơn 1,4 tỷ đồng Dự án điện năng lượng nông thôn, do những người có liên quan nghỉ hưu, chuyển công tác bàn giao thiếu sót, nên tập hợp hồ sơ, chứng từ khó khăn. Hiện nay huyện đang tiếp tục củng cố hồ sơ, dự kiến sẽ thu hồi trong tháng 12.2016.

Đối với hai tuyến đường Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung và Trà Phong - Trà Ka với số nợ tạm ứng hơn 10,4 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Tây Trà thừa nhận là bế tắc, hoàn toàn không thể đòi được nợ.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay, việc thu hồi nợ tạm ứng của các công trình, dự án rất chậm. Để đẩy nhanh tiến độ này, ngày 8.7.2016, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện ngay việc thu hồi khoản tạm ứng trước đây, thời gian hoàn thành vào tháng 8.2016. Đối với số tiền tạm ứng cho nhà thầu thuộc các dự án đường Giá Gối - Mô Níc; đường Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung; đường Trà Phong - Trà Ka; đường Ba Tơ -  Ba Lế; lâm viên Thiên Ấn, các đơn vị Sơn Hà, Tây Trà, Ba Tơ và Sở NN&PTNT khẩn trương thu hồi hết khoản tạm ứng trong năm 2016. Đối với khoản tạm ứng do gặp vướng mắc, nhưng sau đó tiếp tục thi công, thì nhà thầu phải cam kết hoàn thành khối lượng trước 30.11.2016; khoản tạm ứng không thực hiện hết phải thu hồi xong, chậm nhất 31.12.2016.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Để có vốn thực hiện các dự án là rất khó khăn. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện nhiều chủ đầu tư lại làm không đến nơi đến chốn, dẫn đến kế hoạch giải ngân chậm buộc phải chuyển tiếp nguồn vốn từ năm này sang năm khác, ảnh hưởng đến công tác quyết toán.

Trong số đó phải kể đến những dự án như đường bờ đông sông Kinh Giang do Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 7 tỷ đồng, đến nay mới chỉ giải ngân đạt 14%. Tương tự, Dự án đê Phổ Minh (Đức Phổ) do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, vốn giao năm 2016 là 17 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân gần 1,8 tỷ. Dự án đường Nguyễn Công Phương (giai đoạn 2) được đầu tư 30 tỷ đồng do Sở GTVT làm chủ đầu tư, đến nay mới giải ngân 9%.

Bên cạnh những dự án được giao kế hoạch vốn năm 2016, thì nhiều dự án được giao kế hoạch vốn năm 2015 chuyển tiếp sang năm 2016, nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ khi mà kế hoạch vốn được giao và giải ngân quá khập khiễng. Cụ thể như Dự án đường Nguyễn Trãi (giai đoạn 2) do Sở GTVT làm chủ đầu tư, theo kế hoạch vốn chuyển tiếp từ năm 2015 sang hơn 23 tỷ và kế hoạch đến 31.12.2016 phải hoàn thành việc quyết toán, nhưng đến nay chỉ còn hơn 10 ngày nữa là kết thúc năm 2016, mà giải ngân chỉ gần 13 tỷ đồng. Còn dự án Kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn, di dân tái định cư, neo đậu tàu thuyền  - đập Cà Ninh hạ lưu sông Trà Bồng (giai đoạn 1) kế hoạch vốn giao chuyển tiếp từ 2015 sang là 200 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân hơn 57 tỷ.

Không chỉ những dự án trên mà theo thống kê của Sở Tài chính, tính đến ngày 30.11.2016, trên địa bàn tỉnh có tổng số 224 dự án, công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng chưa lập báo cáo quyết toán gửi cơ quan tài chính để thẩm tra theo quy định. Trong đó có 182 dự án vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán, với tổng vốn đầu tư trên 768 tỷ đồng và đã thanh toán trên 645 tỷ đồng.

Nguy cơ bị thu hồi vốn

Một số dự án, công trình chậm quyết toán đã ảnh hưởng đến việc quản lý vốn đầu tư, gây nợ đọng kéo dài, không tất toán được dự án. Chuyện “tiêu không hết tiền” để lại nhiều hệ lụy không chỉ đối với công tác quyết toán, giải ngân vốn mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân nằm trong vùng dự án. Bên cạnh đó, nhiều dự án chuyển tiếp từ năm này sang năm nọ có nguy cơ mất vốn. Bởi theo quy định, dự án chỉ được chuyển tiếp một lần và nếu tiếp tục không hoàn thành giải ngân thì sẽ bị thu hồi vốn và nếu muốn có vốn đầu tư tiếp, thì phải có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, rất nhiều dự án trên địa bàn tỉnh chuyển tiếp từ năm 2015 sang có nguy cơ bị thu hồi vốn là rất lớn. Theo ông Nguyễn Văn Tự - Trưởng Phòng Đầu tư (Sở Tài chính), bên cạnh những nguyên nhân mà các chủ đầu tư đưa ra, có những nguyên nhân khách quan từ các cơ quan cấp bộ. Trong đó, theo kế hoạch phân bổ vốn nguồn vượt thu 2015 và tiền thưởng cho năm 2016 phải đến tháng 6.2016 Bộ Tài chính mới có kế hoạch phân vốn về tỉnh. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, vì bất kỳ dự án nào sau khi có tiền mới được phê duyệt. Còn Kho bạc Nhà nước thì yêu cầu phải phê duyệt dự án trước 31.3 hằng năm.

Trước sự chậm trễ của các chủ đầu tư trong công tác giải ngân vốn năm 2016 đối với những dự án xây dựng cơ bản, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng yêu cầu các sở, ban ngành, các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, các huyện, thành phố, các chủ đầu tư dự án khẩn trương hoàn thành công tác lập báo cáo quyết toán, xử lý dứt điểm trong năm 2016 đối với 182 công trình vi phạm giải ngân chậm. Đối với các đơn vị thẩm tra quyết toán, yêu cầu tổ chức thực hiện công tác thẩm tra, trình phê duyệt báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đúng quy trình.
 

T.NHỊ-L.ĐỨC

 


.