(Baoquangngai.vn)-
Thời điểm này, vùng biển miền Trung thường hứng chịu hàng loạt cơn bão, áp thấp. Đối với ngư dân, thời tiết xấu là cơ hội để hái “lộc biển”. Nhưng đi kèm với cơ hội là những rủi ro luôn rình rập các tàu cá nơi biển cả mênh mông.
Chỉ trong vòng 1 tuần qua, Quảng Ngãi liên tiếp đón nhận hung tin từ 3 chiếc tàu cá với tính mạng của hơn 30 ngư dân bị treo lơ lửng nơi đầu sóng. Ngày 24.11, tàu cá QNg 92823TS của ngư dân Võ Lai, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi với 11 ngư dân trên tàu bất ngờ bị chết máy, và trôi dạt ở vùng biển Hoàng Sa.
Đến ngày 27.11, tàu QNg 90134 TS của ông Võ Duy Tiến, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) làm chủ kiêm thuyền trưởng cũng bị hỏng hộp số máy tàu, và trôi tự do khi đang hoạt động trên vùng biển Trường Sa. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, không có tàu cá nào có thể tiếp cận, giúp đỡ, hai tàu cá này cuối cùng cũng được hỗ trợ hoặc tự khắc phục tạm thời để nhanh chóng cập bờ.
Không may mắn như vậy, đêm 25.11, tàu cá QNg 95886 TS do ngư dân Nguyễn Tấn Hùng ở xã Bình Chánh
(Bình Sơn) làm thuyền trưởng
đã bị phá nước và bị sóng đánh chìm trong tích tắc khi đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa. Tài sản mất hoàn toàn, còn 12 thuyền viên trên tàu thì được một tàu cá khác cứu vớt và đưa về đảo Song Tử Tây.
Nhiều vụ tai nạn tàu cá liên tiếp xảy ra trong mùa biển động. ảnh minh hoạ |
Liên lạc với người thân nơi quê nhà, ngư dân Nguyễn Tấn Hùng vẫn chưa thể hoàn hồn. “Khủng khiếp quá, tàu vừa bị phá nước là bắt đầu chìm dần. Mấy anh em chưa kịp trở tay đã phải ngụp lặn trong làn nước lạnh cóng. Chúng tôi bám chặt vào nhau để phòng có người bị căng cơ, yếu sức… Nhưng may là có tàu cá ở gần đó thấy và qua cứu kịp thời”- Anh Hùng thuật lại thời khắc nhớ đời.
Hiện chờ đến lúc biển êm, 12 ngư dân xã Bình Chánh sẽ theo tàu câu mực về đất liền. Thành quả lao động của hơn 1 tháng vươn khơi cùng với con tàu trị giá hơn tỷ đồng của ngư dân Hùng, nay đã im lìm dưới đáy biển.
Những thông tin về tàu cá bị nạn cứ liên tiếp ập về đất liền, nhất là đang vào mùa biển động. Năm này qua năm khác, thời gian tàu bị nạn nhiều nhất vẫn là từ tháng 10 kéo dài đến cuối năm. Bất cứ người đi biển nào cũng biết và nắm được quy luật ấy. Nhưng họ vẫn vươn khơi, mặc cho đài báo đang có bão, áp thấp nhiệt đới ngoài biển.
Ngư dân Huỳnh Văn Minh ở xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi hơn 20 năm kinh nghiệm đi biển chia sẻ: Nếu là người làm biển thì đó chẳng phải là nghịch lý. Biển càng động thì cá di chuyển theo luồng nước càng nhiều. Và các tàu cá chỉ cần canh đúng dòng nước và thả một mẻ lưới hốt trọn.
Sau những chuyến bội thu nhờ biển động, trong lòng người ngư dân lão luyện vẫn trào lên cảm giác chua xót, bất lực khi nhớ lại những lúc tàu gặp rủi ro. Lúc bão tố ập về, sóng to, tàu bị đắm. Người nào bơi lội giỏi thì cũng chỉ cầm cự với sóng to, gió lớn vài tiếng. Lúc ấy, không có tàu thuyền đến cứu thì đời ngư phủ chỉ có thể nằm lại nơi biển khơi.
Các ngư dân chuẩn bị ra khơi |
“Đó là chưa kể sự cố cũng hay xảy ra là tàu hỏng máy giữa biển, nếu không có tàu thuyền đến lai dắt vào bờ kịp thời thì ngư dân trên tàu phải chịu cảnh đói, khát, có khi bị sóng đánh chìm tàu”- bản thân ông Minh cũng đã vài lần rơi vào cảnh nguy nan trên biển vào những ngày biển động.
Cũng vì đánh bắt trong mùa biển động nên nhiều tàu cá liên tục gặp nạn. Thống kê từ đầu năm đến nay, có hơn 10 tàu cá với hơn 100 ngư dân từng gặp tai nạn khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó, hơn nửa là bị tai nạn trong những lúc có bão hoặc áp thấp nhiệt đới.
Theo ông Huỳnh Trọng Thân- Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Chánh (Bình Sơn), phần lớn thời gian của ngư dân gắn với biển, những rủi ro khi gặp sóng to gió lớn, bão táp bất ngờ hay chẳng may tàu va vào đá ngầm thì đó là những trường hợp bất khả kháng.
Ông Thân chia sẻ: “Bình Chánh có khoảng 80 tàu đánh bắt xa bờ. Họ không phải đi 1-2 ngày rồi quay về bờ, mà đi từ 2-3 tháng trời dài đằng đẵng. Chẳng may gặp gió lớn, bão về thì tàu cá sẽ tìm về các đảo để trú đợi đến khi sóng êm lại tiếp tục đánh bắt để kiếm lại tiền phí tổn và trang trải cuộc sống. Có những lúc, tai nạn xảy ra khiến ngư dân trở tay không kịp”.
Biển cả mênh mông luôn ưu đãi con người. Hàng nghìn hộ ngư dân ven biển Quảng Ngãi đang trông cậy vào nghề biển để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cùng với cho, gần như năm nào biển cũng cướp đi tài sản, mạng sống của con người, nhất là vào mùa mưa bão.
Nghiệp biển khó tránh rủi ro, nhưng đối với những trường hợp có thể chủ động tránh trú bão thì nhiều tàu cá vẫn còn khá chủ quan nên tai nạn xảy đến. Và đằng sau những tai nạn ấy, là nỗi lo sợ, là những giọt nước mắt ròng rã trong chờ đợi của người thân nơi đất liền.
Bài, ảnh: Thanh Phương