Phát triển bền vững ngành thủy sản: Cần tháo gỡ vướng mắc từ thể chế

02:11, 15/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 13 năm đi vào cuộc sống, Luật Thủy sản cùng nhiều hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều quy định trong luật không phù hợp, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, cản trở đến sự phát triển bền vững của ngành.

Chưa sát thực tế

Luật Thủy sản được ban hành đã góp phần tích cực giúp hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, là căn cứ để các ngành chức năng áp dụng vào công tác quản lý. Tuy nhiên, theo ông Phùng Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Luật Thủy sản vẫn còn một số quy định không sát với tình hình thực tế, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát như: Việc đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản, định kỳ điều tra trữ lượng chưa thường xuyên, nên số liệu chưa đủ tin cậy.

Theo quy định, việc cấp phép tàu mới chỉ áp dụng cho những loại tàu hoạt động khai thác thủy sản, nhưng trên thực tế các cơ quan có thẩm quyền vẫn cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu chuyên hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá...

Hầu hết việc chọn lọc kích thước cá để đánh bắt phụ thuộc vào ý thức tự giác của ngư dân, chứ ngành chức năng không đủ nhân lực để kiểm tra, giám sát vấn đề này.
Hầu hết việc chọn lọc kích thước cá để đánh bắt phụ thuộc vào ý thức tự giác của ngư dân, chứ ngành chức năng không đủ nhân lực để kiểm tra, giám sát vấn đề này.


Ngoài ra, tại các địa phương đang cho thuê diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, vì luật quy định thời gian tối đa để giao, cho thuê mặt nước biển là 20 năm, nhưng không quy định thời gian tối thiểu, đã dẫn đến tình trạng mỗi địa phương áp dụng thời gian cho thuê khác nhau. Và mặc dù Bộ NN&PTNT có quy định về điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại Thông tư 45, song chỉ "khuyến khích cơ sở, vùng nuôi tôm có hệ thống xử lý nước thải từ ao nuôi tôm trước khi thải ra môi trường", chứ không quy định rõ ràng hay bắt buộc các chủ hồ phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khiến môi trường tại các vùng nuôi ngày càng suy thoái.

Cũng theo ông Phùng Đình Toàn, tại Thông tư 62 năm 2008 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định 59 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản có quy định cụ thể về các loài thủy sản cũng như kích thước, thời gian được khai thác. Dù vậy, Chi cục Thủy sản không đủ nhân lực, vật lực để theo sát tàu thuyền của ngư dân giám sát, kiểm tra vấn đề này, nên rất khó để quản lý, hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng luật.

Nhiều quy định chồng chéo

Không chỉ chưa sát thực tế, một số quy định pháp lý liên quan đến ngành thủy sản còn thiếu đồng bộ và chồng chéo, khiến công tác quản lý ngành gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong lĩnh vực bảo tồn biển, do văn bản điều chỉnh về các khu bảo tồn hiện có đến 2 hệ thống văn bản điều chỉnh là Luật Thủy sản 2003 và Luật Đa dạng sinh học 2008. Hai hệ thống văn bản này có sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quy hoạch, xác định vùng nước nội địa, phân cấp quản lý, khiến việc thành lập, quản lý khu bảo tồn biển gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Mười - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế (Chi cục Thủy sản), sự chồng chéo trong các quy định pháp lý khiến công tác thanh, kiểm tra của đơn vị gặp vướng mắc. “Theo Quyết định 82 năm 2008 của Bộ NN&PTNT thì hải sâm là loài thuộc nhóm có nguy cơ tuyệt chủng, cần được phục hồi và phát triển, nhưng tại các quy định khác liên quan đến hoạt động đánh bắt, hải sâm lại không nằm trong danh mục cấm đánh bắt, nên đơn vị không thể kiểm tra, xử phạt”.

Cũng theo ông Mười, trên địa bàn tỉnh, số lượng tàu hành nghề lặn để khai thác hải sâm đang có xu hướng ngày càng gia tăng, do lợi nhuận mang lại từ hải sâm lớn hơn các nghề cá khác rất nhiều, vì vậy nguồn lợi hải sâm đang ngày càng suy kiệt. Đơn vị đang rất cần những quy định rõ ràng, đồng bộ liên quan đến vấn đề này để có hướng xử lý phù hợp.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.