(Báo Quảng Ngãi)- Tính mạng và tài sản bị uy hiếp do triều cường. Tàu thuyền không có nơi neo đậu, tránh trú an toàn trong mùa mưa bão... Thực trạng này khiến người dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) gặp nhiều khó khăn trong sản xuất cũng như sinh hoạt.
Mỏi mòn đợi an cư...
Đến mùa mưa bão, hơn 150 hộ dân sống dọc bờ biển thôn Phước Thiện lại canh cánh nỗi lo triều cường. “Nhà cách mép biển chưa đến chục mét nên chỉ cần trời mưa, biển động là chúng tôi phải vào nhà người quen ở nhờ. Bất tiện lắm!”, bà Võ Thị Liễu, khu dân cư số 7 cho biết.
Ngôi nhà của bà Liễu xây dựng khá kiên cố, khang trang, nhưng sau cơn bão số 9 (2009) và tác động của triều cường trong những năm qua, căn nhà giờ trống trước, hở sau. Toàn bộ mái, nhà phụ và một phần nhà chính đã bị triều cường cuốn trôi ra biển. Dù biết sống trong căn nhà như thế sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì “không biết ở đâu” nên bà Liễu đành phải chấp nhận bám trụ.
Căn nhà cấp 4 của bà Liễu trống trước, hở sau do tác động của triều cường. |
Còn bà Đinh Thị Xuân ở khu dân cư số 8, cũng khắc khoải với cảnh “ở nhờ”. Tuy cách biển chỉ vài bước chân, nhưng căn nhà của bà Xuân trông chẳng khác gì túp lều tạm bợ vì làm bằng bạt, mái tôn cũng đã dột nát. Chỉ cần trời mưa lớn, cộng với triều cường là căn nhà có thể bị cuốn trôi ra biển. Nói đến việc sửa chữa nhà cửa, bà Xuân bảo rằng: “Cũng muốn sửa nhà kiên cố, sống cho yên tâm nhưng biết kiếm đâu ra tiền”.
Không riêng gì bà Xuân mà hơn 150 hộ dân sống ven biển thôn Phước Thiện đều rơi vào tình trạng “sửa nhà không được, làm mới cũng chẳng xong”. Bởi, nhà ở của họ quá gần biển, xây dựng nhà đủ khả năng “chống” lại triều cường thì họ không có nguồn. Do đó, hầu hết người dân nơi đây chỉ có thể gia cố nhà cửa bằng cách đúc trụ bê tông cốt thép, rồi dùng đá hoặc bao cát để chèn phía sau. Tuy nhiên, do triều cường ngày càng dâng cao nên không chỉ đá, bao cát mà cả trụ bê tông cũng thường xuyên bị sóng biển cuốn trôi. Vì vậy, người dân thôn Phước Thiện mong Nhà nước sớm đầu tư xây dựng bờ kè để chắn triều cường, hoặc họ được di dời đến nơi an toàn để an cư.
Tàu thuyền có nơi neo đậu
Cùng với triều cường xâm thực, người dân làng chài Phước Thiện cũng lo tìm nơi neo đậu, tránh trú cho tàu thuyền mỗi khi đến mùa mưa bão. Vốn là khu vực bãi ngang ven biển, nên số lượng tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản ở Phước Thiện trên 300 chiếc. Tuy nhiên, vì không có chỗ tránh trú an toàn nên mỗi khi mưa bão, ngư dân làng chài Phước Thiện đành neo đậu tàu thuyền ngay bãi ngang hoặc mang gửi tại cửa biển Sa Cần, cảng Tịnh Hòa. Theo ông Nguyễn Quang, dù đậu tàu tại bãi ngang hay gửi tại các cảng ở địa phương khác thì ngư dân vẫn gặp rất nhiều rủi ro và tốn kém tiền của.
Tại bãi ngang, vì diện tích hẹp nhưng số lượng tàu thuyền neo đậu lớn nên khi mưa bão, triều cường dâng cao là các phương tiện lại va đập, gây hư hỏng.
Còn với những ngư dân có tàu công suất lớn thì việc phải chạy tàu từ làng chài Phước Thiện lên cửa Sa Cần hoặc cảng Tịnh Hòa giữa lúc mưa bão là điều chẳng đành. Bởi, “quãng đường khá xa, lại nguy hiểm, nên đã có nhiều ngư dân mất cả tính mạng lẫn tài sản ngay trên đường đi gửi tàu thuyền. Đó là chưa kể chi phí cho mỗi lần gửi phương tiện ở nơi khác là rất lớn”, ông Quang cho hay.
Trước thực trạng này, ngư dân làng chài Phước Thiện đã tự kè đá làm bờ chắn; thậm chí còn quyên góp tiền để nạo vét khu vực bãi ngang nhằm mở rộng diện tích neo đậu tàu thuyền. Tuy nhiên, vì nguồn lực hạn hẹp nên đến bây giờ, ngư dân làng chài Phước Thiện vẫn chưa thể thực hiện được ước nguyện của mình, đành phải trông đợi vào sự trợ lực của Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thu- Trưởng thôn Phước Thiện, chi phí để cải tạo khu vực bãi ngang thành nơi neo đậu tàu thuyền cho ngư dân Phước Thiện khoảng 1 tỷ đồng. “Nếu được Nhà nước hỗ trợ, người dân thôn Phước Thiện sẵn sàng đóng góp tiền của, công sức và di dời nhà cửa trong khu vực bị ảnh hưởng để khu neo đậu tàu thuyền sớm hoàn thành”, ông Thu cho hay.
Bài, ảnh: MỸ HOA