(Báo Quảng Ngãi)- Thời điểm này, người dân trong tỉnh tất bật xuống giống các loại rau, màu để cung ứng cho thị trường Tết Đinh Dậu 2017. Tuy nhiên, không chỉ thời tiết bất thường mà những diễn biến của thị trường cũng khiến người trồng rau lo lắng...
TIN LIÊN QUAN
Lo và tiếc
“Thời tiết thế này, nếu giờ mà xuống giống rau, màu sẽ dễ bị mất trắng, nhưng nếu không làm thì chẳng có rau để bán Tết”, ông Lê Công Tránh, thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) bày tỏ. Tết được xem là thời điểm “vàng” của người trồng rau, vì giá bán cao, lại không bị thương lái "làm khó". Vì vậy, năm nào ông Tránh cũng kết thúc vụ đông sớm hơn dự kiến để tập trung sản xuất vụ rau Tết.
Tuy nhiên, năm nay thời tiết diễn biến bất thường, mưa lớn, nắng gắt cục bộ, nên ông Tránh cũng như nhiều hộ trồng rau ở xã Nghĩa Dũng bị động trong việc lựa chọn thời điểm xuống giống.
Để chống úng, thay vì trồng theo luống, người trồng rau xã Bình Dương trồng hàng và phủ bạt lên trên. |
Trong khi đó, nông dân ở “vựa” rau Bình Dương (Bình Sơn) cũng thấp thỏm lo... mưa muộn! Vùng rau của xã Bình Dương nằm ven sông Trà Bồng, nên nông dân sẽ rất vui nếu đầu vụ có... mưa lớn, hoặc lũ để mang phù sa bồi đắp cho đất. Nhưng năm nay dự báo mưa muộn, khiến bà con lo năng suất cũng như chất lượng rau màu sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, nhiều hộ phân vân và thận trọng khi quyết định đầu tư sản xuất vụ rau Tết.
Theo nhiều người trồng rau trong tỉnh, thời tiết nắng mưa xen kẽ như hiện nay khiến biên độ nhiệt trong ngày liên tục thay đổi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của rau mà còn tạo điều kiện để các loại dịch bệnh bùng phát và gây hại. Vì vậy, nông dân chỉ sản xuất cầm chừng để thăm dò thời tiết.
Thay đổi phương thức sản xuất
Tại xã Bình Dương, thay vì trồng độc canh rau thì người dân nơi đây lại trồng xen canh giữa các loại. Điều này theo ông Nguyễn Tiến, thôn Mỹ Huệ là “để giảm rủi ro, tăng lợi nhuận”. Nhận thấy những bất lợi của thời tiết, ông Tiến không chỉ chuyển cách trồng từ luống sang hàng, mà còn phủ bạt trên phần diện tích canh tác, nhằm hạn chế tình trạng ngập úng cuốn trôi hoặc xói lở do mưa lớn. Với cách làm này, ông Tiến cũng như nông dân xã Bình Dương đã tận dụng được khoảng trống giữa các hàng để xen canh các loại rau, cây màu khác nhằm tăng hiệu quả sản xuất.
Trong khi đó, tại vùng rau Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức), diện tích các loại rau dễ bị hư hỏng do mưa như xà lách, cải, tần ơ... giảm đáng kể. Thay vào đó, các loại rau, cây màu “chịu” mưa và luôn bán chạy trong và sau Tết như mã đề, bắp sú, đậu ve, đậu bắp, bí chồi, bí xanh... được người trồng ưu tiên và tập trung xuống giống. Đặc biệt, năm nay đồng rau Nghĩa Lập đã trở thành điểm trồng hàng loạt giống rau, cây màu mới có năng suất và chất lượng cao, màu sắc hấp dẫn như đậu bắp đỏ, bắp tím, su hào...
Đối với vùng rau xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), ngoài việc che chắn mưa cho các luống rau, một số nông dân nơi đây còn tính đầu tư lưới để phủ trên bề mặt và bao xung quanh ruộng. Cách làm này không chỉ hạn chế thiệt hại do mưa lớn, mà còn tránh được các loại sâu bệnh gây hại. Tuy nhiên, chi phí đầu tư quá lớn, nên nông dân không có điều kiện áp dụng trên quy mô diện rộng.
Bài, ảnh: MỸ HOA