(Baoquangngai.vn)- Những năm qua, thông qua việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhận thức của người dân vùng cao dần được thay đổi, đồ vật trong mỗi gia đình đã xuất hiện nhiều sản phẩm “made in Việt Nam”. Tuy nhiên, để hàng Việt Nam đứng vững tại thị trường miền núi cần có nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn nữa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thay đổi thói quen tiêu dùng
Thời gian qua, cùng với hàng Việt có chất lượng cao, xuất xứ rõ ràng thì không ít hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ đã len lỏi ở thị trường miền núi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, nhờ sự đẩy mạnh tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền và thông qua quá trình sử dụng mà người dân miền núi đã thay đổi thói quen tiêu dùng và có cách nhìn chính xác hơn về chất lượng hàng Việt.
Tranh thủ những ngày không lên rẫy, ông Hồ Văn Tình ở xã Trà Lâm (Trà Bồng) cùng vợ xuống thị trấn Trà Xuân để mua sắm các vật dụng và nhu yếu phẩm để sử dụng trong gia đình. Nếu như trước đây, vợ chồng ông khi ra chợ chỉ quan tâm đến giá cả đắt hay rẻ hoặc đẹp hay xấu mà không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng, thì giờ đây, mối quan tâm đầu tiên của vợ chồng ông là nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và giá cả.
Ông Hồ Văn Tình chia sẻ: Trước kia mỗi khi đi chợ mua nồi cơm điện, bếp ga… hay quần áo cho các con trong nhà, tôi thường chọn những sản phẩm giá rẻ, không quan tâm lắm đến nguồn gốc xuất xứ. Bởi thế, nên thường mua các hàng nhái, hàng kém chất lượng và các vật dụng này sử dụng một thời gian rất nhanh hỏng. Nay, tôi rút kinh nghiệm nên thường chọn sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất bởi chất lượng tốt hơn mà giá cả cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.
Vì điều kiện khó khăn nên người dân miền núi ít có cơ hội tiếp cận các mặt hàng có chất lượng |
Không riêng gì ông Tình, mà không ít các hộ dân khác ở vùng đồng bào miền núi thời gian qua cũng dần dần thay đổi nhận thức trong mua sắm. Có được sự thay đổi này, bên cạnh, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, thì sự cảnh báo từ các phương tiện truyền thông về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng nên nhiều người dân khi mua hàng đều quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ phải rõ ràng, nhất là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao.
Ông Đinh Văn Sắt ở xã Sơn Hạ (Sơn Hà) cho hay: Cùng với sự tuyên truyền của của các cấp chính quyền về cuộc vận động “Người Viêt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, cũng như những thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân chúng tôi đã biết được những thông tin về một số mặt hàng Trung Quốc có chất cấm và một số loại thực phẩm, đồ uống giá rẻ không rõ xuất xứ, vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng... Qua đó, đã giúp cho người dân chúng tôi chú ý hơn tới các loại hàng hóa có xuất xứ rõ ràng để chọn mua và sử dụng.
Để người dân miền núi có cơ hội tiếp cận hàng Việt
Việc thay đổi nhận thức của nhiều người dân miền núi trong những năm qua là là một tín hiệu đáng mừng. Song, có một thực tế là, sự thay thay đổi này chủ yếu tập trung ở những hộ dân sống ở khu vực trung tâm huyện, xã... nơi có điều kiện tiếp cận với các mặt hàng có chất lượng, còn lại hầu hết các hộ dân sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, thói quen mua sắm vẫn chưa thay đổi nhiều.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cùng với điều kiện kinh tế còn khó khăn thì điều kiện tiếp cận các mặt hàng có chất lượng hầu như không có, hoạt động thương mại chủ yếu tự phát. Với mức thu nhập không cao, cộng với nhận thức còn hạn chế của người dân nên các tiểu thương tại chỗ và “chợ di động” thường nhập các mặt hàng chất lượng kém, giá thành thấp bán cho người dân.
Muốn mua sắm các mặt hàng có chất lượng, người dân phải xuống các cửa hàng ở trung tâm huyện |
Trong khi đó, thời gian qua, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các ngành chức năng đã tổ chức nhiều hội chợ, phiên chợ “Đưa hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi”. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động này thường được tổ chức ở những nơi thị tứ, thị trấn, vẫn còn đó ở nhiều vùng miền núi, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, nguồn hàng Việt chất lượng cao được cung ứng đến tận tay bà con còn quá ít ỏi, nếu không muốn nói là còn bỏ ngỏ. Chính sự bỏ ngỏ này đã tạo cơ hội cho các mặt hàng Trung Quốc giá rẻ, hàng kém chất lượng thấp tràn vào chiếm lĩnh thị trường các huyện miền núi.
Từ thực tế này, thiết nghĩ, về lâu dài, để hàng Việt chiếm lĩnh sâu hơn thị trường nông thôn, miền núi, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thì các ngành chức năng cần quan tâm hơn đến việc rút ngắn khoảng cách giữa thị trường nông thôn với thành thị, nhất là trong chiến lược quảng bá, kích cầu tiêu dùng.
Các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối nên mở rộng thị trường, hướng tới việc cung ứng sản phẩm thiết yếu chất lượng, an toàn nhưng giá thành phù hợp với thu nhập ở nông thôn… Có như vậy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới thực sự thành công, nhất là ở địa bàn miền núi.
PV